Sinh ra và lớn lên tại huyện Văn Chấn, nơi được biết đến là cái nôi phát triển giống ba ba của Yên Bái, anh Hùng đã bén duyên với nghề nuôi ba ba từ sớm. Trước kia, anh Hùng công tác bên ngành lương thực, lương tháng chẳng đủ lo cho gia đình, lại sẵn cái “máu” làm ăn nên anh quyết định nghỉ việc ở nhà tìm cách phát triển kinh tế.
Anh tâm sự: “Tôi quyết định nuôi ba ba vì đã có nhiều người dân địa phương thu nhập cao từ nghề này, cùng với đó nhu cầu mua ba ba trên thị trường rất lớn, cung không đủ cầu”. Khi đó, phong trào nuôi ba ba ở thành phố Yên Bái còn rất mới, chưa nhiều người dám làm, tuy nhiên với suy nghĩ mình có đất lại chủ động được nguồn nước cộng với quyết tâm làm giàu đã thôi thúc anh phải làm bằng được. Năm 2004, anh mạnh dạn đầu tư hơn 30 triệu đồng để mua 40 con ba ba gai bố mẹ. Anh tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm nuôi của những người đi trước để áp dụng vào thực tế. Không chỉ có thế, để có thêm kinh nghiệm, anh đã lặn lội đi tìm hiểu ở các tỉnh lân cận cũng như các hộ có nhiều năm nuôi ba ba về kỹ thuật nuôi, chăm sóc hay phòng trị bệnh cho ba ba. Sau hơn 1 năm, lứa ba ba đầu tiên của gia đình anh đã cho thu nhập, sau khi trừ tiền gốc cũng cho thu 1 khoản đáng kể. Từ thực tế anh thấy, nuôi ba ba gai đem lại hiệu quả kinh tế cao lại không khó nuôi nên anh bàn với vợ cải tạo diện tích vườn nhà của gia đình để đầu tư xây ao thả ba ba.
Cứ như vậy, nguồn thu nhập từ các lứa ba ba trước được anh tích cóp để tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô. Để chủ động được con giống vừa hạ giá thành vừa đảm bảo chất lượng, anh xây dựng 2 nhà ấp trứng để ba ba gai lên làm tổ và đẻ trứng. Theo anh việc ấp trứng ba ba không quá khó nhưng cần để ý, chăm sóc như chăm trẻ, ba ba thường sinh sản vào cuối mùa hè (khoảng từ tháng 5 đến tháng 8). Trong thời gian ấp trứng, người nuôi cần thường xuyên kiểm tra “nhà ấp trứng”, đảm bảo nhiệt độ ở mức 30 - 32oC, độ ẩm nền cát từ 80 - 82% để trứng nở đạt tỷ lệ cao.
Do gia đình anh chủ động được nguồn nước sạch, nên ao ba ba gai của gia đình anh ít bị bệnh, nếu có chỉ hay bị nấm thủy mi hoặc do ăn uống tích tụ lâu có thể ảnh hưởng đến gan, phổi nên phải biết cách phòng tránh. Để giữ ổn định nhiệt độ trong ao, tạo điều kiện cho ba ba gai sinh trưởng và phát triển tốt anh thả bèo tây lên diện tích mặt ao vừa có tác dụng chống nóng trong mùa hè, chống lạnh vào mùa đông lại tiết kiệm chi phí và hạn chế thiệt hại do thời tiết khắc ngiệt gây ra.
Dẫn chúng tôi ra thăm khu nuôi ba ba của gia đình, anh cho biết: “Những thời điểm trước đây, ba ba gai nhà tôi có những năm bán đến hơn triệu đồng/kg, tuy nhiên vài năm gần đây giá ba ba gai thịt chững lại chỉ từ 450 - 600 nghìn đồng/ kg nên những người dân có nhu cầu ăn ba ba đều mua được”.
Anh Hùng cho biết, bình thường con ba ba ẩn mình dưới lớp cát hay ngâm mình trong nước, thường ra kiếm ăn vào chiều tối, vì vậy đây cũng là thời gian cho ăn. Nuôi ba ba không khó mà đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Khâu đầu tiên phải thiết kế bể đúng kỹ thuật, xử lý nguồn nước ra vào dễ dàng, thường xuyên thay nước để phòng bệnh cho ba ba, bên cạnh đó nguồn thức ăn cũng phải xử lý sạch đây chính là những yếu tố quan trọng mạng lại thành công trong quá trình nuôi. Thức ăn chủ yếu của chúng là các loại cá nhỏ, phế phụ phẩm của các lò mổ, giun đất với khẩu phần tùy thuộc vào trọng lượng mỗi con.
Đến nay, với tổng diện tích ao hơn 700m2, gia đình anh có trên 2.000 con, trong đó có khoảng hơn 200 con ba ba gai bố mẹ. Chỉ tính riêng năm 2017, nếu tính cả ba ba gai giống và thịt anh bán được hơn 2.000 con cho đem lại nguồn thu hơn 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cho thu lãi hơn 200 triệu đồng. Từ thành công trong nghề nuôi ba ba, cùng với sự nhiệt tình giúp đỡ bà con có nhu cầu theo nghề, anh Hùng được người dân gọi bằng cái tên thân mật là “Hùng ba ba”.
Thành công từ mô hình nuôi ba ba, anh Hùng không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, trở thành nông dân điển hình tiên tiến của địa phương. Hy vọng rằng sẽ có nhiều mô hình nuôi ba ba thành công trên địa bàn tỉnh góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện đời sống của người nông dân.