Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, anh Lâm bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề nuôi tôm thẻ. Những năm đầu anh vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, anh dần dần mở rộng thêm diện tích, hoàn chỉnh hệ thống ao nuôi nên làm đến đâu thắng đến đó, thu nhập bình quân mỗi năm vài trăm triệu đồng.
Với tính năng động và cần cù chịu khó, đầu năm 2018, anh Lâm tham gia dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá bông lau trong ao đất Sóc Trăng”, do Sở Khoa học - Công nghệ Sóc Trăng và Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ triển khai. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ, anh được cấp 4.000 con giống và 30% tiền thức ăn. Ngoài ra, hằng tháng còn có cán bộ kỹ thuật đến kiểm tra và hướng dẫn. Đây là cơ hội tốt nhất giúp anh trải nghiệm với một đối tượng nuôi mới mẻ và hiệu quả kinh tế cao.
Để đạt năng suất và hiệu quả cao, anh Lâm cải tạo 2.000 m2 mặt nước theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật để thả cá. Anh cho biết cá bông lau giống hiện nay phần lớn bắt từ thiên nhiên, đem về ươm dưỡng sau 2 - 3 tháng, kích cỡ khoảng 8 - 10 cm mới thả vào ao nuôi. Với 4.000 con cá giống, sau 16 tháng nuôi, nay đã đạt trọng lượng 1,5 kg/con, thu hoạch ước tính 6 tấn, thương lái đã đồng ý mua với giá 120.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết các chi phí anh còn lời 240 triệu đồng. Nếu cộng chung với tiền bán tôm thẻ, mỗi năm anh thu lãi khoảng nửa tỉ đồng.
Nhiều người nuôi cho biết cá bông lau khó nuôi hơn cá tra, đặc tính của loài cá này là hay nhát nhưng lại tăng trưởng tốt, ít bị dịch bệnh. Chúng thích môi trường thông thoáng nên người nuôi phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, luôn giữ cho ao sạch, nguồn nước phải thường xuyên thay đổi, tuyệt đối không được xử lý hóa chất. Thức ăn tốt nhất đối với cá bông lau là thức ăn công nghiệp, giống như các loại cá da trơn. Ngoài ra, cá còn tìm các loài rong rêu trong ao để ăn giúp cá phát triển nhanh.