Qua SX mô hình lúa - tôm cho thấy, cây lúa có vai trò cải tạo môi trường khi hút sạch các chất hữu cơ còn tồn đọng trong vuông tôm. Gốc rạ còn là môi trường cư trú, sinh sôi của các loài sinh vật phù du, đem lại nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm nuôi quảng canh.
Tuy nhiên, sau nhiều năm nuôi tôm, nước mặn thấm sâu vào trong đất, cộng với tình hình nắng hạn khiến cây lúa không thể phát triển, chỉ trồng được một thời gian ngắn là chết rụi.
Từ thực tế trên, nhiều nông dân đã có sáng kiến trồng một số loại cỏ ưa nước mặn như lông công, đuôi phụng, năn tượng… để thay thế vụ lúa.
Ông Dương Văn Cường ở xã Thuận Hòa, huyện An Minh cho biết, trước đây khi mới chuyển qua mô hình lúa - tôm, vụ lúa mùa sau 3 tháng gieo cấy thu hoạch khoảng 3,5 - 4 tấn/ha, trừ chi phí còn lãi từ 12 - 15 triệu đồng. Cái lợi lớn hơn là có được môi trường sạch nuôi tôm mau lớn, ít bị rủi ro về dịch bệnh. Song những năm gần đây đất bị nhiễm mặn, làm lúa rất khó. Riêng năm 2015, trời ít mưa, thiếu nước ngọt trầm trọng nên lúa chỉ được hơn 1 tháng là chết rụi.
“Ban đầu lúa chết ít, tôi cấy dặm lại, trời mưa là tôi lấy nước thêm vào nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn rồi chết hẳn. Để cải tạo môi trường, tôi đi tìm cỏ đuôi phụng trồng để thay thế. Loài cỏ này chịu mặn rất tốt và cũng có chức năng cải tạo môi trường giống như lúa nhờ vậy mà vụ tôm tiếp theo thả nuôi khá thuận lợi”, ông Cường chia sẻ.
Tương tự ông Cường, nhiều bà con nông dân ở đây cũng chọn giải pháp khắc phục tình trạng lúa thiệt hại bằng cách trồng thay thế lúa với huy vọng năng suất vụ tôm nuôi tiếp theo không bị ảnh hưởng.
Ông Huỳnh Văn Kha có 2 ha sản xuất theo mô hình tôm - lúa ở xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh cho biết, do ruộng nuôi tôm nằm gần phía biển nên độ mặn khá cao, không thể trồng lúa. Cách đây vài năm, ông Kha được cán bộ nông nghiệp huyện khuyến cáo nên trồng cỏ năn tượng để thay thế.
“Kết quả cho thấy, môi trường được cải thiện, tôm nuôi rất ít xảy ra dịch bệnh và mau lớn. Khi để ruộng trống, tôm nuôi 3 tháng chỉ đạt 30 - 35 con/kg, nhưng khi trồng cỏ năn tượng, cùng thời gian tôm đạt 20 con/kg, cũng giống như môi trường có lúa trước kia”, ông Kha phấn khởi.
Theo những nông dân ở khu vực này cho biết, trồng cỏ trong vuông tôm có nhiều ưu điểm, vừa cải tạo được môi trường, làm giảm nhiệt độ nước khi nắng nóng và là nơi trú ngụ an toàn cho tôm, vừa tạo được nguồn thức ăn tự nhiên, giảm chi phí đầu tư. Nhờ đó, mà tôm mau lớn, thời gian nuôi rút ngắn được từ 15 - 20 ngày.
Phó phòng NN-PTNT huyện An Minh Trương Thị Anh Đào cho biết, toàn huyện có khoảng 27.000 ha đất sản xuất theo mô hình tôm lúa. Sau hơn 10 năm chuyển đổi, một số diện tích nuôi tôm lâu năm ở các xã ven biển như Vân Khánh Đông, Vân Khánh Tây, Vân Khánh... đất bị nhiễm mặn khá nặng, không thể trồng lúa được nữa.
Để thay thế vụ lúa, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân nên chọn một số loại cỏ có khả năng chịu mặn như lông công, đuôi phụng, năn tượng… trồng lấp vụ vào những tháng mùa mưa. Nhờ đó mà môi trường được cải tạo, tránh được tình trạng người dân thả nuôi tôm nối vụ liên tục, dẫn đến dịch bệnh gia tăng. Qua thực tế sản xuất, trồng cỏ nuôi tôm cũng cho hiệu quả tượng tự như vụ lúa vụ tôm, mội trường nuôi được cải thiện tốt hơn nhiều so với để đất trống.
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Cần Thơ, cây năn tượng thuộc họ lác (còn có tên gọi khác là hến biển) mọc tự nhiên trong các đầm lầy vùng ven biển. Trong hệ sinh thái vuông nuôi tôm, năn tượng giúp ổn định nhiệt độ nước và làm giảm các chất ô nhiễm do thức ăn tôm dư thừa gây ra.
Năn tượng có thể sống với mật độ rất dày, từ 800 - 1.000 cây/m2, hệ thống rễ chằng chịt của chúng chính là nơi lọc mặn và cải tạo đất, các chồi non của cây cũng là nguồn thức ăn của các loài thủy sản...
Ðến cuối mùa, khi cây lụi dần và chết đi, thân cây lại cung cấp cho môi trường nguồn chất hữu cơ quan trọng. Chính vì vậy, chúng được coi là loài “cây môi trường” trong các vuông tôm.