Con tôm ôm cây lúa
Trước đây, vùng đất "Đồng chó ngáp" rộng lớn (thuộc hai huyện Phước Long, Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu) là vùng đất hoang hóa, vừa nhiễm phèn vừa nhiễm mặn.
Ở xứ này, lựa chọn của chính quyền và người dân địa phương là trồng lúa trên đất nuôi tôm. Bởi, nếu thất tôm thì cũng còn lúa ăn, mà thất lúa thì cũng còn con tôm để bán mua gạo. Sau khi rửa mặn, nông dân cấy giống lúa Một bụi đỏ trên đất nuôi tôm và kết hợp nuôi tôm dưới gốc lúa. Xứ này nổi tiếng với giống lúa Một bụi đỏ. Tuy nhiên, sau thời gian canh tác, giống lúa Một bụi đỏ có dấu hiệu bị thoái hóa, năng suất thấp, chất lượng giảm.
Một thời gian, các cán bộ của huyện Hồng Dân đã đi đi, về về lên Cần Thơ để nhờ các chuyên gia về giúp huyện phục tráng giống lúa vốn là niềm tự hào của huyện. Kèm với một "đề bài" là làm sao cây lúa Một bụi đỏ sống được, phát huy hiệu quả trên vùng đất nhiễm phèn – mặn. Đại học Cần Thơ cử Tiến sĩ Võ Công Thành - Trưởng bộ môn di truyền – giống (Khoa Nông nghiệp) trực tiếp cùng các kỹ sư, nông dân địa phương đi "giải" bài toán khó đó. Họ đã làm thành công: cây lúa Một bụi đỏ đã trụ được trên vùng đất "Đồng chó ngáp". Năng suất ổn định và người dân bán được lúa với giá cao.
Ông Nguyễn Văn Triều, ấp Phước Long Ninh, xã Phước Long, huyện Phước Long có 1 ha diện tích sản xuất lúa – tôm. Vụ lúa tôm vừa rồi ông Triều thu lợi lớn. Thả 30.000 con tôm càng bán được 40 triệu, một công lúa thu hoạch được giao động từ 25 - 30 giạ, giá lúa Một bụi đỏ năm nay cao 6.000 đồng/kg. Trừ tất cả chi phí, vụ lúa – tôm vừa rồi 1 ha ông Triều còn lời khoảng 40 triệu đồng. Chưa hết, nhờ trồng lúa trên đất nuôi tôm, đã góp phần cải tạo môi trường. Nhờ đó, vụ chuyên tôm năm trước, 2 tháng thu tỉa thưa, thả bù tôm thẻ và tôm sú một lần, ông thu được 50 – 60 triệu đồng, có lúc lên đến 100 triệu đồng. Ông Triệu phấn khởi cho biết: "Nếu tỉnh điều tiết nước tốt đảm bảo thì khu vực này năm sau dân sản xuất lúa Một bụi đỏ – tôm rất phù hợp". Tỉnh Bạc Liêu mở rộng mô hình lúa - tôm ở các huyện Phước Long, Hồng Dân và mở rộng sang cả thị xã Giá Rai.
Lúa ngon – lành trên đồng mặn
Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: " Đối với vùng lợ – ngọt xen canh, chúng tôi chuyển đổi sang một vụ lúa một vụ tôm với trên 50.000 ha. Hiện nay lúa – tôm hiệu quả rất cao, tỉnh chuyển dần nuôi chuyên tôm sang một vụ tôm một vụ lúa, hoặc hai vụ tôm một vụ lúa. Với mô hình lúa - tôm, Bạc Liêu chuyển dần diện tích rất lớn để thích ứng với biến đổi khí hậu theo mô hình một vụ lúa, một vụ tôm rất hiệu quả".
Ông Phạm Thanh Duy - Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân cho biết: "Huyện đang khuyến khích nông dân ở vùng nuôi tôm khó khăn về nguồn nước mặn chuyển sang mô hình lúa – tôm. Đặc biệt, vận động nông dân cấy lúa Một bụi đỏ trên đất nuôi tôm. Từ đó, tạo vùng lúa nguyên liệu rộng lớn để các doanh nghiệp thuận tiện bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Lúa Một bụi đỏ trồng trong mô hình lúa – tôm kết hợp có thể nói đây là lúa "sạch’ vì không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó có thể xây dựng thương hiệu lúa Một bụi đỏ xuất khẩu".
Trong bối cảnh nhiều giống lúa mùa đặc sản có chất lượng ngày càng bị mai một so với các loại gạo nhập khẩu, thì gạo Một bụi đỏ Hồng Dân được xem là một điểm sáng trong việc xây dựng thương hiệu hạt gạo ở ĐBSCL. Đồng thời, nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước, nhà khoa học và nhà nông đã xây dựng được một mô hình luân canh lúa – tôm hiệu quả ở một vùng đất chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, một trong những cái khó của việc xây dựng thương hiệu lúa gạo vẫn là khâu tiêu thụ. Mặc dù đã cải thiện phẩm chất hạt gạo, quy trình canh tác an toàn, thương hiệu đã được thị trường biết đến... nhưng sự chần chừ của các doanh nghiệp vẫn chưa làm an tâm người sản xuất.
Được ví von là một trong những loại gạo ngon nhất nước ta hiện nay, lúa Một bụi đỏ Hồng Dân đang rất cần có những chương trình xúc tiến thương mại hiệu quả, phát huy tiềm năng của giống lúa này ở những vùng đất nhiễm phèn, mặn.
Ý tưởng "con tôm ôm cây lúa" của chính quyền Bạc Liêu được hiện thực hóa bằng giống lúa chịu được mặn từ 3 - 4% và chịu phèn cao. Lúa cấy trên đất tôm ở Bạc Liêu năm 2017-2018 được 33.747ha có khoảng 70% là lúa Một bụi đỏ. Lúa Một bụi đỏ được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.