Nhờ nước thủy triều lên xuống đều đặn, diện tích đất bãi ven sông Cầm thuộc hai xã Hưng Đạo và Xuân Sơn luôn được bồi đắp phù sa, tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa phát triển và là môi trường phát triển tốt cho con cáy. Tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên ban tặng, người dân ven sông Cầm đã đánh bắt cáy bằng mồi rọ, thu về nguồn lợi đáng kể.
Nghề bắt cáy nơi đây có từ lâu, nhưng trước kia do bắt thủ công, lại đầu tư ít nên sản lượng không nhiều, lợi nhuận thấp. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng cáy ngày càng lớn, vừa dùng làm mắm, vừa là món ăn giàu chất dinh dưỡng nên người dân địa phương đã kết hợp trồng lúa xen nuôi cáy để có sản phẩm bán ra thị trường. Dọc hai bên sông Cầm, có hơn 100 hộ vừa trồng lúa, vừa rọ cáy trên đất bồi bãi nhà mình, trong đó riêng làng Cầm (Xuân Sơn) có hơn 50 hộ làm nghề rọ cáy.
Gia đình bà Nguyễn Thị Chúc có gần 4 mẫu ruộng bãi, bà tiến hành đắp đất be bờ làm nơi ở cho cáy, cải tạo ruộng, cấy lúa kết hợp mồi rọ cáy. Với hơn 500 rọ, mỗi ngày bà thu được 10kg cáy, tính ra mỗi tháng, gia đình thu lãi 21 triệu đồng. Thậm chí lúc vào mùa (từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch), gia đình bà có thể thu về tiền triệu mỗi ngày.
Bà Chúc cho biết, cấy lúa kết hợp nuôi cáy mang lại nhiều lợi ích cho nhà nông, vừa giúp giảm bớt chi phí phân bón, đất tăng độ mùn xốp do chất thải của cáy tích tụ, con cáy to hơn cáy ngoài bờ sông vì được cung cấp mùn hữu cơ từ ruộng lúa. Sau khi tính toán, mô hình này cho thu thập cao gấp 30-40 lần so với độc canh cây lúa.
Tương tự, gia đình ông Thắng có hơn 1 mẫu ruộng, ông cày bừa, làm ruộng phẳng kết hợp bón phân xanh giúp cây lúa phát triển nhanh chóng; đồng thời tiến hành nuôi cáy. Mỗi ngày ông rọ cáy 2 lần, sáng sớm và buổi trưa, mỗi lần cũng thu được 5kg, tính ra mỗi tháng ông thu được 3 tạ. Ông cho hay, cấy lúa chỉ là điều kiện để cáy sinh trưởng tốt, còn lợi nhuận mang lại không thể bằng rọ cáy.
Hiện nay, trên cánh đồng bãi Xuân Sơn, hầu hết các thửa ruộng đã được đắp đất chắc chắn để tạo nơi ở cho cáy, đồng thời giúp thuận lợi cho việc rọ cáy. Các ruộng lúa được chăm sóc tự nhiên, không phun chất kích thích, thuốc trừ sâu, vì thế cáy có điều kiện tốt để sinh trưởng và phát triển, giúp người dân có thể khai thác nguồn lợi từ cáy lâu dài./.