Tuy nhiên do nhu cầu phát triển kinh tế, mưu sinh của các hộ dân sống ven đầm, cùng với đó là quá trình đô thị hóa nên diện tích rừng ngập mặn ngày càng suy giảm, kéo theo các vấn đề về ô nhiễm môi trường sinh thái, xâm nhập mặn, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản,...
Nhận thấy vai trò to lớn của hệ sinh thái rừng ngập mặn, từ năm 2003 tỉnh Bình Định đã thực hiện nhiều giải pháp để nhằm phục hồi, bảo vệ và phát triển rừng. Đến nay đã trồng được 88,11 ha diện tích rừng ngập mặn gồm các loài cây: Đước, Bần trắng, Mắm trắng. Qua đó, góp phần ngăn chặn tình trạng xâm thực, sạt lỡ và phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.
Từ năm 2021, Bình Định đã triển khai trồng phân tán cây ngập mặn dọc các khu vực bãi triều và xung quanh các hồ nuôi trồng thủy sản trên đầm Thị Nại và đầm Đề Gi. Đến nay đã trồng được 5.300 cây, trong đó năm 2021 trồng 700 cây, năm 2022 trồng 2.100 cây, năm 2023 trồng 1.000 cây. Riêng trong năm 2024, đã triển khai trồng phân tán 1.500 cây mắm biển trên đầm Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát). Sau 2 tháng trồng, cây sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 75,87 %.
Rễ cây đước còn hạn chế tình trạng sạt lở bờ
Thực hiện Dự án Bảo vệ và phát triển rừng ngặp mặn ở các địa phương ven biển trong tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, Bình Định tập trung giao khoán bảo vệ rừng với diện tích 258,25 ha, chăm sóc rừng trồng 18,8 lượt ha và trồng mới 7.300 cây ngập mặn phân tán dọc các khu vực bãi triều ven đầm và các ao hồ nuôi trồng thủy sản tại thành phố Quy Nhơn và các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ rừng qua hệ thống đài truyền thanh xã, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao ý thức của người dân về tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn trong việc ổn định môi trường sinh thái, tạo cảnh quan, sinh kế cho người dân và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Rừng ngập mặn là một hệ sinh thái đặc biệt, có vai trò rất quan trọng trong việc ổn định môi trường, ứng phó với tác động cực đoan của biến đổi khí hậu và bảo đảm cho tính đa dạng sinh học cao. Ngoài chức năng như lá phổi điều hòa môi trường, còn là nơi ương dưỡng ấu thể động vật thủy sinh, duy trì và phát triển nguồn lợi thủy sản, nơi trú ngụ của nhiều loài dộng vật như chim, cò,... Hệ sinh thái rừng còn góp phần hạn chế tác hại của hiệu ứng nhà kính và nước biển dâng, với hệ thống rễ dày đặc trên mặt đất cùng với tán lá dày và thân, cành cây tạo thành “Bức tường xanh” giảm nhanh cường độ sóng, gió bão bảo vệ hệ thống đê khu vực đầm, các công trình ven biển và vùng cửa sông trước sự tàn phá của sóng biển, bão tố. Vì vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là phục hồi, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng.