Giữa Biển Đông, cách đất liền hàng nghìn km, xuất hiện những “doanh nghiệp” trẻ nuôi cá lồng dưới đáy đại dương.
Công ty hải sản Trường Sa Đoàn M29 Hải quân là đơn vị kinh tế quốc phòng trực thuộc Quân chủng Hải quân. Ngoài nhiệm vụ trực bảo vệ sẵn sàng chiến đấu, Công ty tập trung khai thác mảng dịch vụ kinh tế như thăm dò địa chấn, bảo vệ giàn khoan dầu khí, sửa chữa tàu biển, dịch vụ cảng biển, bốc dỡ, chế biến hải sản đông lạnh, trực sẵn sàng chiến đấu ở nhà giàn DK1…
Trước những khó khăn thiếu thốn về thực phẩm phục vụ bộ đội Trường Sa, những người lính trẻ ở Đoàn M29 đặt câu hỏi: “Làm thế nào để có thể nuôi cá lồng giữa đại dương bao la để phục vụ bộ đội, vừa tận dụng được nguồn thủy sản sẵn có, vừa bảo đảm đời sống cho bộ đội? có thể tận dụng lợi thế rìa đảo có độ nước sâu vừa phải, dòng chảy tương đối tĩnh để cá nuôi trong lồng và dìm xuống biển thì vẫn sống và sinh trưởng bình thường, trong khi đó có nhân lực?”. Xác định đây là nguồn cá đem lại lợi nhuận có giá trị kinh tế cao nên Đảng ủy chỉ huy Công ty bắt tay vào công việc.
Việc đầu tiên là chọn đảo Đá Tây (quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) làm nơi nuôi cá. Lồng sắt được đem ra từ đất liền. Khi có lồng, có cá giống, song phải làm thế nào để dìm lồng cá xuống đáy biển mà lồng phải đứng tương đối yên tĩnh, tránh di chuyển nhiều khi thủy triều lên xuống, chịu được sóng bão, sóng lừng từ đại dương.
Những ngày đầu, do kinh nghiệm chưa nhiều, sau khi dìm lồng xuống biển, chỉ sau một thời gian ngắn là lồng cá di chuyển khỏi vị trí ban đầu. Mỗi lần bắt cá phải tời lồng lên, khó khăn trong việc chăm sóc và thu hoạch. Sau khi tham khảo công nghệ nuôi cá lồng ở nước ngoài, công ty đã quyết định sử dụng công nghệ nuôi cá lồng của Na Uy. Lồng nuôi cá có hình tròn, đường kính 9 m, miệng lồng có lan can tay vịn tiện đi lại, cho cá ăn. Lồng dìm xuống biển được định vị bởi 3 ống nhựa loại đặc chủng (HDPE) chống xê dịch khi dòng chảy mạnh, sóng bão.
Đại úy Bùi Quảng Tú, Trưởng phòng Kế hoạch công nghệ cho biết “Khác với nuôi cá lồng ở sông hoặc rìa biển, nuôi cá lồng ở Trường Sa khó hơn nhiều. Công nghệ lồng nuôi có độ bền vững chắc, chịu được nước mặn, bảo đảm độ dầy vừa phải, vững chắc, chống di chuyển nhiều để cá sống ở lồng như sống tự nhiên ngoài biển. Thức ăn cho cá chủ yếu mang từ đất liền ra. Cá ở đây lớn nhanh hơn ở đất liền vì chúng thường xuyên được bơi lội trong dòng chảy. Nếu một con cá chim trắng ở nước ngọt chỉ nặng 6 lạng, nhưng ở đây là 1 cân hoặc hơn 1 cân”.
Ngoài nuôi cá chim trắng, ở đây có thể nuôi được loại hải sản nào nữa thưa anh? Đại úy Tú cười tươi: “Hiện công ty chúng tôi nuôi hơn 6.500 con cá chim trắng trong 4 lồng, thời gian nuôi gần 3 tháng là thu hoạch. Ngoài ra, chúng tôi đang thử nghiệm trồng rong nho biển quanh đảo, bước đầu rất khả quan. Rong nho biển hiện nay bán trên thị trường 100.000 đồng/kg. Điều quan trọng là từ đây bộ đội Trường Sa và dân trên đảo không thiếu rau xanh nữa. Chúng tôi có thể cung cấp đủ cho các bữa ăn của bộ đội”.
Từ kết quả ban đầu và nguồn thu từ cuộc thử nghiệm nuôi cá chim trắng và rong nho biển, trong tương lai gần, đảo Đá Tây sẽ là bến cảng hải sản, là điểm dừng chân mua bán trao đổi dịch vụ hậu cần nghề cá của bà con ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hòa và quân dân huyện đảo Trường Sa.
Đại úy Bùi Quảng Tú cho biết: “Tới đây chúng tôi sẽ nuôi cá bò, hải sâm và bào ngư. Loại hải sản này có hàm lượng dinh dưỡng cao sống dưới đáy biển. Đây là loài hải sản hiếm, giá trị kinh tế. Như vậy lồng cá cũng phải sâu hơn, rộng hơn, bền hơn. Ở độ sâu 18-20 mét đáy lồng giáp với san hô để cá bò, bào ngư, hải sâm sống trong lồng vẫn ăn được san hô, chui vào san hô ở tự nhiên. Chúng tôi đã triển khai thêm 4 lồng nuôi cá nữa.
Trong tương lai không xa, nơi này sẽ là bến cảng chế biến hải sản tại chỗ và dịch vụ hậu cần nghề cá, vừa xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài, vừa phục vụ nâng cao đời sống cho quân dân huyện đảo và là nơi trao đổi mua bán hải sản của bà con ngư dân”.
Về lâu dài đảo Đá Tây sẽ được xây dựng bến cảng âu tàu, đó là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Cán bộ, chiến sĩ hải quân ở đây, ngoài nhiệm vụ bảo vệ biển đảo chủ quyền còn có nhiệm vụ bảo đảm đời sống cho nhân dân huyện đảo, mà nuôi cá lồng và trồng rong nho biển là một nhiệm vụ có tầm nhìn chiến lược.
Việc nuôi cá lồng và trồng rong nho biển ở Trường Sa có ý nghĩa chính trị quan trọng, không chỉ khẳng định sức chinh phục đại dương của bộ đội Hải quân vươn ra biển lớn, xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên biển, mà còn có ý nghĩa chủ quyền của ta, ta có trách nhiệm bảo vệ khai thác và giữ gìn.