Lỗ hổng truy xuất nguồn gốc
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong số các khuyến nghị được EC đưa ra đối với Việt Nam, đáng chú ý nhất là truy xuất nguồn gốc hải sản từ cảng cá. Cụ thể là công tác xác nhận nguyên liệu và chứng nhận thành phẩm xuất đi châu Âu.
Theo VASEP, khi áp dụng "thẻ vàng" với thủy sản Việt Nam, phía EU không chỉ tăng cường các biện pháp soi xét hệ thống mà còn tăng cường soi xét cả các lô hàng nhằm chứng thực xem Việt Nam đã nỗ lực đến đâu hướng tới gỡ “thẻ vàng” khiến DN phải có sự đầu tư thêm về các thủ tục hành chính liên quan.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết, tăng trưởng xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm nay đã chậm lại, trong đó đặc biệt là các mặt hàng hải sản xuất khẩu. Trong số hải sản xuất khẩu, chỉ có mặt hàng cá ngừ khả quan bởi các DN xuất khẩu cá ngừ vốn đã phải tuân thủ nhiều quy định liên quan đến quốc tế, khách hàng. Các DN này cũng đã có thêm hạ tầng trong vấn đề làm công tác truy xuất.
Trong các khuyến nghị được EC đưa ra, đáng chú ý nhất là truy xuất nguồn gốc hải sản từ cảng cá. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cũng thừa nhận điều này và cho rằng, việc kiểm soát thủy sản đánh bắt, truy xuất nguồn gốc còn nhiều lỗ hổng cần khắc phục.
Do vậy, theo VASEP, truy xuất cụ thể là công tác xác nhận nguyên liệu và chứng nhận thành phẩm xuất đi châu Âu. Từ giữa tháng 3/2018, việc xác nhận nguyên liệu được giao cho cảng cá.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết, việc chuyển dịch một phần công việc xuống trực tiếp các cảng cá, nơi tàu thuyền và hàng hóa nguyên liệu về là khá phù hợp, song quá trình chuyển đổi có nhiều bất cập.
Theo đó, mỗi khi tàu đi vào cảng cá phải thông báo, nhưng nhiều chủ tàu và đại lý thu gom hàng chưa quen. Thứ hai, khâu khai thác hoặc truyền dữ liệu về hệ thống trạm bờ cũng còn bất cập, nhiều tàu có truyền dữ liệu về hệ thống trạm bờ, tuy nhiên có thể trong điều kiện nghẽn mạnh hoặc chưa đầy đủ theo phương thức chuẩn.
Điều này khiến doanh nghiệp thu mua nguyên liệu phải xác nhận tại cảng, nhưng có những dữ liệu chưa đầy đủ, DN không được xác nhận. Tổng cục Thủy sản cần hướng dẫn cụ thể, làm rõ các vấn đề để giải quyết các bất cập.
Tăng chế tài xử phạt
Về việc gắn các thiết bị định vị, Việt Nam có khoảng 109.000 tàu đánh bắt trên biển, trong đó có 33.000 tàu đánh bắt xa bờ, nhưng mới chỉ có 3.000 tàu đánh bắt xa bờ được trang bị các thiết bị định vị.
Theo VASEP, không gắn thiết bị định vị thì không giám sát được. VASEP chia sẻ khó khăn của Nhà nước, khó khăn của cộng đồng người khai thác biển và mong muốn Nhà nước quan tâm hơn đầu tư cho các thiết bị này hoặc hỗ trợ ngư dân để hoàn thiện hơn, ít nhất là giai đoạn từ nay đến năm 2019.
Kiểm soát tàu cá trên biển. Ảnh: TTXVN
Về việc kiểm soát hành trình của tàu cá, theo Tổng Cục thủy sản, từ nay cho tới tháng 10/2018, toàn bộ các thiết bị kiểm soát hành trình Movimar đang được trang bị cho một số tàu cá sẽ được thu hồi để lắp đặt cho các tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên, hiện có 2.400 tàu cá đánh bắt xa bờ trong diện này.
Bộ NN&PTNT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, sắp tới sẽ tiếp tục ban hành văn bản, các chương trình hành động để các địa phương vào cuộc quyết liệt hơn, trách nhiệm của ngư dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng được quy định rõ hơn, quyết liệt hơn thì mới sớm mong muốn EC gỡ thẻ vàng.
Giữa tháng 7/2018, Tổng Cục thủy sản sẽ gửi dự thảo nghị định xử phạt hành chính cho EC. Điểm mới trong dự thảo là bổ sung hình phạt tịch thu tàu, tịch thu giấy phép với các hành vi vi phạm.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, chúng ta phải phấn đấu để có một ngành nghề cá hiệu quả, bền vững, có trách nhiệm. Đây cũng là mục tiêu cao hơn, xa hơn của Việt Nam. Do đó, phải tự phấn đấu để đạt mục tiêu đó, không thể để ngư dân khai thác thiếu bền vững, hiệu quả không cao và đầy rủi ro.