Tới đây, người nuôi tôm sẽ phải làm gì để bảo vệ thành quả của họ? Bài toán này không dễ tìm ra câu trả lời dù mùa vụ tôm mới 2013 sắp bắt đầu và tình trạng tôm chết có xu hướng ngày càng lan rộng. “Điều quan trọng cần làm ngay lúc này là xác định chính xác nguyên nhân khiến tôm chết, để từ đó tìm biện pháp ngăn ngừa, chữa trị một cách hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Phong, phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nói.
Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Hảo, viện trưởng viện Nghiên cứu thủy sản 2 cho rằng, chưa thể chỉ đích xác loại bệnh là nguyên nhân gây tôm chết trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, ông cảnh báo: “Hóa chất cypermethrin (có nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật) được người nuôi sử dụng diệt giáp xác trong quá trình xử lý ao nuôi, có thể gây chết cấp tính tôm sú nuôi trong phòng thí nghiệm ở nồng độ 0,05 ppb và gây hội chứng hoại tử cơ quan gan tụy trên tôm thí nghiệm ở các nồng độ dưới 0,01 ppb”.
Kết quả phân tích chất lượng nước của cơ quan khoa học tại những khu vực tôm chết cũng cho thấy, nước tại các ao nuôi bị thiệt hại có hàm lượng của thuốc bảo vệ thực vật Cypermethrin, Deltamethrin là chất gây hoại tử gan, tụy ở tôm. Các chất này có thể từ kênh rạch vào ao hoặc có trong chất diệt cá tạp do người nuôi sử dụng. Đây là một trong những nguyên nhân làm tôm ngộ độc.
Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì khuyến cáo người nuôi không sử dụng chất diệt cá tạp bằng hóa chất cấm hoặc có nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật để xử lý môi trường ao nuôi (trước hết là chất Cypermethrin và Deltamethrin) vì đây là những chất độc gây chết tôm, không tan trong nước, không phân hủy bởi ánh sáng mặt trời.
Nhưng ông Huỳnh Quốc Khởi, phó giám đốc trung tâm Khuyến nông, khuyến Ngư tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Trong thực tế, tình trạng tôm chết xảy ra trên các vuông nuôi tuân thủ đúng các khuyến cáo không phải là ít!”. Ông Võ Hồng Ngoãn, được mệnh danh là “vua tôm” mật độ thưa ở Bạc Liêu, từng đi dạy nghề cho nhiều người khác, vậy mà năm ngoái cũng lỗ mất nửa tỷ bạc vì tôm chết. Ông Ngoãn cho rằng: “Môi trường tự nhiên đang có vấn đề, chứ không đơn giản chỉ là các yếu tố kỹ thuật. Có thể đây là dịch bệnh phát sinh trong môi trường nuôi chuyên canh, nhưng cũng có thể đây là loại bệnh do tác động biến đổi khí hậu!”
Như vậy, nguyên nhân chính xác vì sao tôm chết trên diện rộng và các giải pháp khắc phục vẫn còn gây nhiều tranh cải. Trong khi đó, nông dân tiếp tục gánh chịu thiệt hại nặng nề, trắng tay vì dịch tôm chết