Với số vốn không nhiều, khoảng dưới 10 triệu đồng, các đoàn viên có thể xây dựng cho mình từ 3-4 hầm vèo cua giống. Mỗi hầm có diện tích khoảng 3 m2, các hầm vèo thường thiết kế đơn giản, được đào xuống một lớp đất và trải cao su để giữ nước. Tuỳ theo số vốn và điều kiện riêng mà mỗi người có thể nuôi từ 4-8 hầm.
Ban đầu người vèo cua phải đi mua con mê (trứng cua) từ các nơi khác như: Đầm Cùng, Năm Căn… Trung bình mỗi hầm 3 m2 có thể vèo từ 1.500-2.000 con mê. Số vốn ban đầu lấy con mê là tương đối thấp, bình quân khoảng 10.000 con mê giá khoảng 4 triệu đồng.
Các hầm vèo được xử lý nước và thả trứng cua vào nuôi. Thức ăn cho cua khá đơn giản, là ruốc được bắt từ ngoài sông hoặc trong các đầm tôm. Tuỳ theo nhu cầu của người mua mà có thể vèo cua trong thời gian khác nhau. Chẳng hạn, cua vèo từ 2-3 ngày được gọi là cua nhướng, cua từ 10-15 ngày là cua dưa, giá dao động từ 800-1.200 đồng/con.
Cua giống được bán cho những hộ nuôi, cua ở trong xóm và những ấp lân cận. Trung bình 4 hầm vèo cua, mỗi đợt thu nhập cho các hộ từ 8-10 triệu đồng. Việc sản xuất hầu như thường xuyên, mỗi tháng mỗi hộ vèo khoảng 2 đợt, cho thu nhập khá ổn định.
Anh Tô Ngọc Thảo, Bí thư Xã đoàn Việt Thắng, cho biết: “Qua thực tế cho thấy, hiệu quả từ mô hình vèo cua là khả quan. Nguồn vốn sản xuất không cao, quy trình sản xuất đơn giản, thu nhập ổn định hằng tháng. Hiện nay, Xã đoàn đang phát động nhân rộng mô hình này nhằm giúp các đoàn viên, thanh niên có việc làm ổn định, hạn chế tình trạng đoàn viên đi làm ăn xa”.
Trên địa bàn xã có hơn 6 mô hình vèo cua giống của đoàn viên, tiêu biểu là mô hình tại ấp So Đũa. Anh Nguyễn Văn Kha, Bí thư Chi đoàn ấp So Đũa, một trong những đoàn viên đầu tiên thực hiện mô hình, chia sẻ: “Lúc đầu thực hiện gặp nhiều khó khăn, nhưng dần dần học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật nên giờ đây việc vèo cua giống trở nên dễ dàng hơn. Vèo cua giúp mình có việc làm ổn định tại nhà, trong thời gian nhàn rỗi có thể giúp đỡ gia đình nhiều công việc khác”.
Các đoàn viên xây dựng mô hình vèo cua giống đều được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi, vèo cua do Xã đoàn phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện tổ chức.
Vấn đề khó khăn trong việc nhân rộng mô hình hiện nay là nguồn vốn, nhiều đoàn viên không có nguồn vốn ban đầu để mua giống cua. Hơn nữa, do phục vụ nhu cầu của người mua, một số người vèo cua bán chịu tiền con giống khoảng từ 20-30 ngày mới thu lại đồng vốn nên việc xoay đồng vốn còn gặp nhiều khó khăn.
Nếu được đầu tư đúng mức, mô hình vèo cua giống sẽ càng được nhân rộng, giúp đoàn viên ổn định thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần hạn chế số lượng đoàn viên, thanh niên đi làm ăn xa ngoài tỉnh./.