Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Chi cục Thuỷ sản đã lựa chọn các hộ gia đình có đủ điều kiện về diện tích ao nuôi và chủ động được nguồn nước để tham gia mô hình; đồng thời tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật từ khâu cải tạo ao, chăm sóc, phòng trị một số loại bệnh cho cá... Bên cạnh đó, các hộ tham gia mô hình còn được hỗ trợ 100% giống, thức ăn, thuốc phòng và điều trị bệnh cho cá.
Sau 5 tháng triển khai thực hiện, hầu hết cá nuôi tại các hộ tham gia mô hình đều đã cho thu hoạch. Năng suất trung bình đạt 7 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 3,5 tấn.
Anh Phạm Mạnh Thông – Cán bộ Chi cục Thuỷ sản cho biết: Trong quá trình thực hiện mô hình nuôi cá rô phi đơn tính thương phẩm, cho thấy cá không bị mắc dịch, bệnh; tăng trọng bình quân từ 2 – 2,5g/con/ngày, tuy nhiên do thực hiện mô hình vào cuối năm thời tiết lạnh nên cá kém ăn và chậm lớn…
Gia đình anh Ma Văn Hưng ở thôn Nà Khá, xã Năng Khả, bắt đầu thực hiện mô hình này từ tháng 10/2011, với diện tích ao nuôi là 500m2, mật độ thả 2 con/m2, tổng số giống cá rô phi đơn tính được thả là 1.000 con. Theo anh Hưng, ban đầu thực hiện mô hình, anh cũng e ngại vì từ trước đến nay gia đình chỉ nuôi cá trắm, mè, trôi, chép, chưa nuôi cá rô phi đơn tính bao giờ nên chưa biết hiệu quả ra sao. Sau khi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn và qua thực tế cho thấy, cá rô phi đơn tính dễ nuôi, giá bán cao. Sau 5 tháng nuôi, anh đã thu về được 370 kg cá rô phi đơn tính, với giá thị trường hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu lãi trên 5 triệu đồng.
Từ thành công bước đầu của mô hình nuôi cá rô phi đơn tính thương phẩm ở xã Năng Khả, trong thời gian tới để nhân mô hình ra diện rộng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi thì các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm tạo điều kiện về giống, vốn và đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho nông dân. Đồng thời cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các tổ chức, doanh nghiệp với hộ sản xuất để cung cấp con giống, tiêu thụ sản phẩm.