Chạy đua bán đáy ao tôm
Về huyện Duyên Hải hỏi chuyện mới phát sinh ở xứ biển này là bán đáy ao tôm, ai cũng biết. Mấy anh bạn chạy xe ôm ở chợ Duyên Hải bảo các xã như Dân Thành, Trường Long Hòa… hàng loạt nông dân nuôi tôm đang “chán nghề” nên mấy ổng kêu bán đáy ao tôm cho những cơ sở san lấp mặt bằng họ lấy cát phục vụ nhu cầu san lấp thuộc các dự án của Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải. Xuôi theo con đường nhựa chúng tôi tìm đến xã Dân Thành, chứng kiến tiếng máy ì ầm thi nhau nạo vét đáy ao tôm.
Ông Võ Quốc Công, ở ấp Cồn Ông, xã Dân Thành cho biết, gia đình có 3,5ha đất nuôi tôm vừa bán cho các cơ sở khai thác cát với khối lượng cát hơn 70.000m³, ước tính thu về khoảng 700 triệu đồng. Theo ông Công, sở dĩ ông quyết định bán đáy ao tôm cho các cơ sở tận thu cát là vì mấy năm gần đây nghề nuôi tôm lâm vào ngõ cụt khi dịch bệnh làm tôm chết liên miên. Vì vậy, bán đáy ao tôm được xem là giải pháp khả thi để có tiền trả nợ.
Cùng tình cảnh trên, ông Trương Phước An, chủ 7 công đất nuôi tôm công nghiệp phân trần: “Để bán đáy ao tôm cho các cơ sở lấy cát, ông phải chạy ra UBND xã và lên Phòng TN-MT huyện xin phép vào đầu tháng 2-2013. Ao tôm đã được múc sâu 1,2m, số tiền bán cát ban đầu thu về hơn 100 triệu đồng, giải quyết nợ và chi tiêu trong nhà”.
Còn hộ ông Phan Quốc Ca, ở ấp Láng Cháo, xã Dân Thành cho biết: “Với 3ha ao nuôi tôm công nghiệp, năm nào thuận thì kiếm được 800 triệu đồng. Riêng 3 năm gần đây dịch bệnh xuất hiện làm tôm chết tràn lan; có vụ thả đi thả lại mấy đợt mà tôm vẫn chết khiến người nuôi thua lỗ te tua. Mới năm 2012 vừa qua mất trắng hơn 500 triệu đồng vì tôm chết. Thiếu vốn, cộng với nợ nần nên đành bán đáy ao tôm cho các cơ sở lấy cát phục vụ san lắp mặt bằng ở dự án nhiệt điện Duyên Hải”.
Hiện giá bán cát ở đáy ao tôm khoảng 14.000 đồng/m³, ông Ca dự tính tổng thu gần 1 tỷ đồng, số tiền này dành trả nợ, sữa chữa lại ao tôm…
Mừng ít, lo nhiều
Nhiều hộ nuôi tôm ở huyện Duyên Hải nhìn nhận, hàng chục năm nuôi tôm nhưng chưa lần nào buộc phải cải tạo ao quá sâu như hiện nay. Mục đích cốt yếu cũng vì muốn bán đáy ao càng sâu- càng nhiều cát, để được nhiều tiền, giải quyết hàng loạt vấn đề trước mắt. Song về lâu dài, hậu quả ra sao chưa thể lường được.
Thống kê của các ngành chức năng huyện Duyên Hải, đến cuối tháng 3-2013, đã có khoảng 110 hộ dân, thuộc 5 ấp của xã Dân Thành được cấp phép tận thu cát theo nhu cầu cải tạo ao tôm, bình quân mỗi hộ có diện tích đất khoảng 0,6- 0,7ha; khối lượng cát tận thu hơn 2 triệu m³. Thực tế, việc tận thu cát đã giúp nhiều hộ có tiền trả nợ, tái đầu tư sản xuất; đồng thời có được nguồn cát dồi dào phục vụ các dự án nhiệt điện ở huyện Duyên Hải đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng rầm rộ.
Chủ tịch UBND xã Dân Thành Nguyễn Văn Giới cho rằng, nhu cầu cần cát san lấp mặt bằng tại các dự án nhiệt điện Duyên Hải rất lớn và cấp trên đã có chủ trương sử dụng nguồn cát cải tạo vuông tôm để có cát phục vụ san lấp. Song, không phải nơi nào chính quyền cũng đồng ý cho người dân bán đáy ao tôm, mà những nơi được phép khai thác phải nằm ngoài khu phát triển rừng và độ sâu tăng thêm không quá 2m (!?). Ngành chức năng quy định như vậy, song thực tế có nhiều hộ tận thu cát quá sâu, vượt mức cho phép.
Theo các chuyên gia ngành thủy sản, độ sâu nước ao nuôi tôm sú công nghiệp tốt nhất khoảng 1,2 - 1,4m. Thông thường sau mỗi vụ nuôi tôm cũng cần cải tạo ao, nhưng với độ sâu đáy tăng thêm rất ít bởi khả năng bồi lắng trong ao nuôi tôm hầu như không có. Đối với người dân xã Dân Thành và một số xã lân cận, tận thu cát đáy ao tôm quá sâu sẽ gây khó khăn cho việc nuôi tôm trở lại, tình hình này chỉ có thể nuôi cá tra?
Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải Phạm Văn Rê cho biết, đang yêu cầu Phòng TN-MT và chính quyền xã kiểm tra việc khai thác cát ở đáy ao tôm. Khi kiểm tra nếu phát hiện các cơ sở và người dân khai thác sai quy định sẽ chấn chỉnh ngay. Không để làm tràn lan nguy hại đến môi trường và ảnh hưởng xấu nghề nuôi tôm…