Trước đây, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ở huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai chủ yếu theo phương thức truyền thống, nuôi tôm trong ao đất và sau đó là ao bạt. Tuy nhiên trong khoảng 3 năm trở lại đây, bà con đầu tư ao nuôi hiện đại với mô hình nhà kính, nhà lưới và đặc biệt mới đây nhất, có một số hộ dân đưa công nghệ mới trong xử lý nước nhanh trong nuôi tôm để mang lại hiệu quả cao.
Để chuẩn bị cho thả tôm nuôi vụ đông, gia đình anh Hồ Đình Nhiệm ở xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) là người đầu tiên ở Nghệ An áp dụng công nghệ xử lý nước nhanh thông qua hệ thống “zíc zắc” để cấp nước sạch vào nuôi tôm. Công nghệ này được anh học tập ở các tỉnh nuôi tôm lớn ở miền Nam.
Anh Nhiệm cho biết, trên diện tích ao chứa nước trước đây, anh tháo cạn nước trong ao rồi đưa công nghệ “zíc zắc” xử lý nước nhanh vào hoạt động. Theo lý giải của anh Nhiệm, từ trước đến nay, các hộ dân thường lấy nước vào ao nuôi tôm chỉ thông qua khâu lọc đơn giản từ 1 ao lắng rồi cấp vào ao nuôi.
Với công nghệ “zic zắc”, đòi hỏi phải đầu tư bạt đen, lưới mắt dày, cọc tre để dựng thành từng ô vuông trong ao. Khi cấp nước vào ô “zíc zắc” có diện tích rộng nhất sẽ lọc qua lớp lưới dày và tỏa ra các ô lọc khác, các loại chất bẩn, cặn bã sẽ bám lại ở màng lưới. Khi đến ô lọc cuối cùng sẽ cho nguồn nước sạch để cấp thẳng vào ao nuôi.
Áp dụng công nghệ này, người nuôi có thể sử dụng nguồn nước sạch bất cứ khi nào nếu cần thiết, đặc biệt trong những trường hợp thời tiết nắng nóng, vi khuẩn phát sinh hoặc nhiệt độ môi trường thay đổi.
“Ngoài chủ động nguồn nước sạch cấp vào ao nuôi tôm, việc sử dụng công nghệ này giúp môi trường nước luôn ổn định khi cấp vào ao nuôi, giúp con tôm thích nghi tốt với môi trường, không bị sốc nhiệt và đặc biệt nguồn nước sạch sẽ kiểm soát các loại dịch bệnh ở tôm” - anh Nhiệm chia sẻ thêm.
Với sự đầu tư về hạ tầng, kỹ thuật và áp dụng công nghệ cao, vụ đông năm 2019 này, gia đình anh Nhiệm tiến hành nuôi 3 ao trong nhà kính, mỗi ao có diện tích 400 m2. Nếu thành công, gia đình anh sẽ thu về từ 5 - 6 tấn tôm/ao, phục vụ cho thị trường trước và sau Tết Nguyên đán.
Không chỉ anh Nhiệm ở xã Quỳnh Bảng mà hiện nay có một số hộ dân cũng bắt đầu đưa công nghệ xử lý nước thải nhanh vào nuôi tôm như gia đình ông Nguyễn Văn Khánh (Quỳnh Minh); Nguyễn Văn Đức (Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai).
Trong điều kiện môi trường, đặc biệt là nguồn nước ngày càng ô nhiễm, việc áp dụng công nghệ cao trong xử lý nước để nuôi tôm được bà con ở Nghệ An đầu tư đang thực sự mang lại hiệu quả.
Có nhiều hộ đầu tư hàng tỷ đồng lắp đường ống lấy nước từ biển về nuôi tôm; hoặc xây dựng thêm nhiều ao chứa để lọc bớt chất thải, cặn bã và mới đây nhất là công nghệ xử lý nước nhanh bằng hệ thống “zíc zắc”.., những cách làm này đang mang lại kết quả cao và bền vững cho người nuôi.