Thực hiện mô hình ươm dèo cua giống gần 10 năm và là một trong những người tiên phong thực hiện mô hình tại địa phương, anh Nguyễn Văn Phước, Tổ trưởng Tổ hợp tác ươm dèo cua giống Cái Trăng, chia sẻ: “Hơn 10 năm trước tôi làm lái đi bắt cua giống ở Rạch Tàu, huyện Ngọc Hiển, đem về bán lại cho bà con nông dân nuôi cua. Tuy cũng có thu nhập nhưng không nhiều. Dần dần tôi nhận thấy ươm dèo cua giống bán có lời hơn nhiều nên tôi quyết định chuyển sang nghề này. Tận dụng đất trống quanh nhà, bờ vuông, tôi đào hầm nuôi cua. Từ ngày nuôi cua giống đến nay, kinh tế gia đình tôi ổn định hơn, lại có của ăn của để”.
Anh Phước chọn mua con mê giống (ấu trùng megalops trước khi lột xác thành cua con) ở những trại giống có uy tín, chất lượng của huyện, trước khi mua con mê anh được đem về thử nước trước xem có phù hợp với nước tại nơi nuôi hay không. Anh Phước cho biết, nuôi cua giống đơn giản, thời gian nuôi ngắn, ai cũng có thể làm được mà không cần phải học tập qua trường lớp. Tuy nhiên, phải chú ý đến những vấn đề quan trọng như chọn con mê, nguồn nước và vệ sinh hầm nuôi.
Anh Phước nhận định, việc nuôi cua ở hầm đất có lót bạt sẽ đạt hiệu quả cao hơn nuôi ở các hầm được xây bằng gạch hay xi-măng, cua nuôi đạt đầu con hơn. Sau khi cua trong hầm được bán hết phải vệ sinh hầm sạch sẽ, giặt lưới trước khi thả đợt mê mới vào.
Tổ hợp tác ương vèo cua giống Cái Trăng ngày càng khẳng định tính bền vững của mô hình kinh tế hợp tác.
Ban đầu mô hình ươm dèo cua giống chỉ là tự phát ở một vài hộ trong xã. Khi nhận thấy mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ đến học hỏi và làm theo. Năm 2013, Tổ hợp tác ươm dèo cua giống Cái Trăng được thành lập để bà con được hỗ trợ thêm về khoa học - kỹ thuật và vốn phát triển kinh tế tập thể.
Khi mới thành lập, tổ hợp tác chỉ có 14 thành viên, qua quá trình phát triển, hiện nay số thành viên của tổ nâng lên 39, chia làm 3 tổ nhỏ để tiện cho việc quản lý và hoạt động. Lợi nhuận trung bình mỗi tháng của các tổ viên từ 10 triệu đồng trở lên. Riêng gia đình anh Phước, với 200 hầm cua giống, mỗi tháng anh thu về ít nhất 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Anh Cao Thái Phương, cán bộ khuyến ngư xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, cho biết: “Nhờ mô hình ươm dèo cua giống mà kinh tế của bà con nông dân trong xã ngày càng ổn định, nhiều hộ vươn lên khá giàu. Thương hiệu cua giống Cái Trăng ngày càng được tin tưởng, chất lượng cua giống được khẳng định bằng việc xuất bán ở nhiều tỉnh trong cả nước. Sắp tới mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng ở các ấp khác trong xã”.