Trong môi trường nước, nước có độ mặn như thế nào gọi là thấp?
Căn cứ vào nồng độ, thành phần muối hòa tan và vào thành phần khu hệ thủy sinh vật tương ứng, người ta chia nước thiên nhiên thành 4 loại:
1. Nước ngọt có độ mặn <0,5‰;
2. Nước lợ có độ mặn từ 0,5-30‰ (Nước lợ nhạt có độ mặn từ 0,5-5‰; Nước lợ vừa có độ mặn từ 5-18‰; Nước lợ mặn có độ mặn từ 18-30‰);
3. Nước mặn có độ mặn từ 30-40‰;
4. Nước quá mặn có độ mặn > 40‰.
Như vậy, đối với những vùng nuôi tôm nước lợ ở độ muối thấp có thể xác định có độ muối từ 0,5-5‰ (lợ nhạt)
Độ cứng là gì? Đơn vị đo độ cứng của nước ao nuôi tôm?
Độ cứng là hàm lượng Ca2+ và Mg2+ được biểu thị bằng hàm lượng CaCO3/L, các ion hóa trị 2 khác cũng gây nên độ cứng của nước nhưng ở hàm lượng rất thấp. Độ cứng cũng được biểu thị bằng đơn vị mili đương lượng trên lít (meq/L) hoặc theo đơn vị vị của Đức là dGH (1 meq = 50 mg CaCO3/L = 2,81 dGH); Như vậy 1 dGH = 50/2,81 = 17,9 mg CaCO3/L. Đó là lý do vì sao khi sử dụng các test kit đo cứng theo đơn vị dGH của Đức, người nuôi lấy số giọt (số dGH) nhân với hệ số 17,9. Thông thường trong nuôi tôm ở Việt Nam, độ cứng thường được sử dụng đơn vị mgCaCO3/L.
Vì sao hàm lượng lân trong nước ao nuôi tôm siêu thâm canh luôn ở mức cao?
Lân hòa tan (PO43-) trong nước có nguồn gốc từ thức ăn thừa, chất thải của tôm… Trong ao đất, lân hòa tan ít khi vượt cao như ở ao lót bạt, điều này là do trong môi trường lân dễ bị lớp bùn đáy hấp thu. Một số nghiên cứu cho thấy hơn 50% lượng lân hòa tan bị lớp bùn đáy hấp thu. Do đó, ở ao nuôi thâm canh lót bạt hoặc bể nuôi siêu thâm canh, lượng lân hòa tan luôn được giữ lại trong nước. Lân hòa tan thì không độc đối với tôm, nhưng nếu ở hàm lượng cao lại là điều kiện tốt cho tảo phát triển, kéo theo nhiều vấn đề khác trong quản lý nước.
Có thể sử dụng các muối khoáng để pha nước lợ cho ương, nuôi tôm được không?
Dĩ nhiên là được, nếu pha đúng thành phần của nước biển thì càng tốt. Tuy nhiên, một số yếu tố vi lượng có hàm lượng rất thấp nên nước lợ pha từ các muối có thể đảm bảo một số ion chính. Hiện có nhiều nghiên cứu về sử dụng nước lợ pha từ muối trong ương, nuôi tôm. Một số vùng nuôi có độ mặn thấp, các nghiên cứu về bổ sung các các muối khoáng thiết yếu như NaCl, MgSO4, MgCl2, CaCl2, KCl, and NaHCO3 cũng cho kết quả khả quan.
Giới hạn cho phép của sắt (Fe) trong môi trường nước ao nuôi tôm?
Sắt (Fe) trong môi trường nước rất quan trọng đối với đời sống của thủy sinh vật. Tuy nhiên, nếu hàm lượng quá cao cũng gây ảnh hưởng đến tôm. Fe hòa tan trong nước có 2 dạng Fe2+ và Fe3+, trong đó Fe2+ rất độc đối với động vật thủy sản. Tổng 2 dạng Fe2+ và Fe3+ trong nước được gọi là Fe tổng số. Fe tổng số phù hợp trong ao nuôi tôm dao độ từ 0,05-0,5 mg/L. Thiếu Fe hoặc Fe quá cao cũng ức chế sự phát triển của tảo trong môi trường.
Điều kiện nhiệt độ tối ưu trong ương tôm thẻ chân trắng?
Nhiệt độ thích hợp nhất cho trứng nở và tỉ lệ sống của ấu trùng lên PL15 là từ 28-30oC. Khi nhiệt độ cao thì thời gian phát triển phôi ngắn và chiều dài ấu trùng sẽ dài hơn. Giai đoạn từ PL15-PL60 thì tăng trưởng nhanh ở nhiệt độ cao (33-37oC) nhưng tỉ lệ sống thấp.
Nuôi tôm quảng canh, ruộng bị nhiều rong đáy phát triển, có nên sử dụng sử dụng hóa chất để diệt rong không?
Đối với những ruộng nuôi tôm quảng canh, trong giai đoạn đầu cấp nước là rong đáy dễ phát triển và thường phát triển rất mạnh chiếm hết không gian hoạt động của tôm. Các chất diệt rong tảo có khả năng diệt luôn cả thực vật phù du (tảo) và các loài thủy sinh vật khác, gây mất cân bằng sinh thái làm cho thành phần thức ăn tự nhiên trong vuông nghèo hơn. Do đó, đối với ruộng nuôi tôm quảng canh bi rong phát triển quá mạnh, phương pháp thường được khuyến cáo là sử dụng biện pháp thủ công.