Theo đó, VASEP đề xuất về bổ sung quy định kiểm dịch đối với hàng thủy sản chuyển mục đích sử dụng sang tiêu thụ nội địa có nguồn gốc nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu (SXXK) hoặc gia công xuất khẩu (GCXK) vì đây là nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đảm bảo quyền kinh doanh bình thường và không vi phạm pháp luật trong khi quy định pháp lý của ngành hướng dẫn thực hiện nội dung này đang chưa có.
Theo bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra của VASEP, việc bổ sung quy định này cho hàng thủy sản nhập khẩu hoàn toàn góp phần đáp ứng yêu cầu về kiểm soát và quản lý nhà nước hiện hành trong công tác kiểm tra thủy sản có nguồn gốc nhập khẩu.
Việc chuyển sang loại hình nào, doanh nghiệp cần phải thực hiện đầy đủ quy trình khai báo, chịu kiểm tra theo quy định hiện hành của loại hình đó. Khi đó, cơ quan có thẩm quyền (Cơ quan Thú y) có đủ công cụ kiểm soát để đảm bảo các lô hàng thủy sản được chuyển loại hình nhập khẩu không gây mất an toàn thực phẩm và không có bằng chứng nào khẳng định là “tạo ra sự cạnh tranh không công bằng” với các lô hàng nhập khẩu khác do đã được kiểm tra theo đúng quy định để xác nhận lô hàng đảm bảo về an toàn thực phẩm.
Hơn nữa, theo đại diện VASEP, các quy định pháp lý trong lĩnh vực hải quan vẫn cho phép doanh nghiệp chuyển loại hình đối với hàng nhập khẩu. Theo Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 và Thông tư 39/2018/TTBTC ngày 20/4/2018 về thủ tục hải quan và kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, các hàng hóa nhập khẩu không chịu thuế vẫn được phép chuyển mục đích sử dụng, miễn là người khai hải quan phải khai lại tờ khai hải quan mới và phải tuân thủ đúng chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, chính sách thuế đối với hàng hóa đó theo loại hình nhập khẩu mới.
Tại cuộc họp thẩm định dự thảo Thông tư, một số ý kiến cũng đồng tình với kiến nghị xuất phát từ thực tế này của VASEP và khuyến nghị Cục Thú y xem xét, tiếp thu ý kiến của VASEP để không tạo ra khoảng trống pháp lý trong quy định, hướng dẫn về kiểm tra nhập khẩu thủy sản, vừa đáp ứng các yêu cầu Quản lý Nhà nước cũng như nhu cầu thực tiễn trong sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.