1. PU Foam là gì?
Vật liệu PU Foam là nhựa tổng hợp dạng bọt cứng, được tạo thành từ hai thành phần hóa học chính Polyol và Isocyanate, để đạt được độ cứng cũng như tỉ trọng ở mỗi trường hợp cụ thể thì hai loại hóa chất này sẽ được pha trộn theo một tỷ lệ nhất định.
Với đặc tính kỹ thuật như: Tỉ trọng 22 – 200 kg/m3; khả năng chịu nhiệt từ 600C đến 800C; hệ số dẫn nhiệt: 0,019 – 0,023 W/m.k; khả năng chịu nén cao 180 - 250 Kpa; tính thấm nước <3% và tuổi thọ dự kiến trên 15 năm. PU Foam thực sự được ứng dụng trong công nghệ lạnh như tấm panel kho lạnh, bảo ôn các hầm lạnh, nhà máy bia, các bồn lạnh….và đặc biệt là một vật liệu tối ưu cho việc cách nhiệt trong các hầm bảo quản sản phẩm trên tàu cá hiện nay.
2. Kỹ thuật cách nhiệt hầm bảo quản sản phẩm bằng PU Foam
Để cách nhiệt hầm bảo quản bằng vật liệu PU Foam, người ta tiến hành đóng thêm một lớp ván phía trong hầm tàu để tạo thành các khoảng trống khoảng 10-12 cm bao quanh hầm tàu. Sau đó, tiến hành phun PU Foam vào khoảng trống, PU Foam sẽ giản nở và lấp đầy các khoảng trống tạo thành một lớp PU Foam dày từ 10-12 cm xung quanh hầm tàu. PU Foam sẽ bám chặt vào lớp ván vỏ tàu và lớp ván phía trong vỏ tàu tạo thành một khối vừa cứng nhưng nhẹ, giúp cách nhiệt, chống thấm nước, bảo vệ lớp sơn của vỏ tàu, góp phần bảo vệ vỏ tàu được tốt hơn.
Lớp PU Foam này vừa có tác dụng cách nhiệt, vừa có tác dụng tăng tính năng nổi của thân tàu và bảo vệ tàu trong trường hợp tàu bị vỡ lớp ván phía ngoài vỏ tàu thì nước cũng khó để tràn vào trong khoang tàu.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phía trong cùng của hầm tàu được bọc 1 lớp Inox 304 để sản phẩm không tiếp xúc với thành gỗ hoặc PU Foam. Đồng thời, để liên kết chặt với khung hầm, cửa hầm còn được gắn gioăng cao su xung quanh và bộ khóa cửa bằng Inox 304. Như vậy hầm sẽ không thoát nhiệt, tránh được nước và không khí bên ngoài thẩm thấu vào.
Hầm bảo quản sản phẩm trên tàu cá. Ảnh: NTN, Tepbac
3. Tác dụng khi sử dụng vật liệu PU Foam trong hầm bảo quản sản phẩm hải sản trên biển
- Tăng hiệu suất sử dụng nước đá đến 95% (hầm truyền thống khoảng 60-70%); thời gian đánh bắt trên biển có thể kéo dài từ 20 ngày đến 1 tháng, sản phẩm hải sản đạt chất lượng tươi, giảm hao hụt sản phẩm xuống dưới 15%, sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Giảm chi phí, tăng hiệu quả chuyến biển.
- Hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu PU Foam có thể sử dụng được trên 15 năm, còn hầm bằng xốp (Styropore) chỉ sử dụng được 3 - 4 năm.
- So với phương pháp bảo quản sản phẩm cổ truyền, phương pháp hầm bảo quản dùng PU Foam không làm xây xát cá; độ lạnh được trải đều nên chất lượng cá được bảo quản thời gian dài hơn, tốt hơn; lượng đá cây ít hao hơn.
Đây là giải pháp ứng dụng công nghệ mới phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển của công nghiệp đóng mới hầm bảo quản sản phẩm của các nước có nghề cá phát triển và rất cần thiết cho người dân khai thác hải sản xa bờ. Với công nghệ mới này, chủ tàu có thể tăng thời gian bám biển, giảm chi phí chuyền biển, chất lượng sản phẩm khai thác cao hơn. Qua đó hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây, góp phần thúc đẩy phát triển nghề khai thác hải sản xa bờ, bảo vệ an ninh trên biển.