Gia vị độc đáo
Biết con trai thèm ăn cá đối tươi, từ bốn giờ sáng dì ba Hồng ở Cần Giờ (TP.HCM) đã đi chợ xã, tự tay lựa những con cá đối tươi xanh, mập ú...Tờ mờ sáng, dì lại xách rổ đi hái mớ lá me non. Thỉnh thoảng, dì lại nhìn ra đầu ngõ - ngóng trông con cháu sớm về chơi - dịp cuối tuần.
Vậy mà, thoáng nhìn tô canh chua cá đối bốc khói và thơm lừng mùi chua thanh của lá me non, mắt dì lại thoáng buồn. Dì ăn lưng chén cơm rồi viện cớ no ngang, vì mừng cháu nội mới về thăm!
Song, lát sau ngoài cầu ao, dì nhỏ nhẹ với nàng dâu: “Con nhớ lần sau làm cá đối đừng bỏ vẩy. Vẩy cá khiến thịt cá ngọt bùi hơn". Cô con dâu lễ phép thưa lại: "Ôi hay quá! Con cám ơn mẹ. Con sẽ dạy lại cho mấy đứa học trò kinh nghiệm quí giá này! Vậy còn con cá nước lợ, nước mặn nào phải để vẩy khi chế biến không mẹ?". Dì ba Hồng nhỏ nhẹ: "Cá trích, cá mù gà (cá lẹp)...”
Cá đối nấu canh chua - Ảnh: Tạ Tri
Cũng theo dì ba Hồng, riêng con cá nước ngọt cũng không ngoại lệ, như rô đồng, chép, diếc, linh, hô... Cho nên không phải ngẫu nhiên mà món cá chép kho ám với ít lá trà xanh hoặc kho riềng kiểu Bắc thường giữ vẩy. Đó là sự đúc kết tinh hoa ẩm thực truyền đời của người Việt!
Tuy nhiên, vẩy các loại cá vừa kể chứa rất nhiều nhớt. Làm sao khử tanh? Bếp trưởng Huỳnh Văn A.Se, tại một quán ăn ở Q.1, TP.HCM, bật mí: Giã ít ớt hiểm chín + phèn chua + muối, pha vào vào nước ấm. Cho cá vào, cạo nhớt theo vẩy xuôi sẽ sạch ngay.
Bài thuốc hay
Ngạc nhiên hơn, vẩy cá có thể giúp trị một vài bệnh nan y, theo y thực (ăn thay thuốc đến mức hoàn hảo). Ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, thân vương triều Nguyễn ở Gò Vấp, TP.HCM, thầy thuốc nam giỏi chia sẻ: "Những bệnh thời khí ở trẻ em như ho, cảm, sốt... được trị khỏi nhờ đốt vẩy cá rô đồng bào chế với ít trầm hương và các bộ phận của cây tre. Cũng bài thuốc này, thêm vào ít băng phiến sẽ trị dứt chứng thối lỗ tai".
Vẩy rô đồng vừa giúp thịt cá thêm béo bùi vừa là bài thuốc hay - Ảnh: Tạ Tri
Đồng thời thịt cá chép (ăn cả vẩy) trong tự nhiên rất tốt cho mắt, trị được chứng phù thũng. Món cháo Lạp bát gồm cá chép vàng và cá chép đen nấu với ít rễ tre non, cùng một số loại rau rừng vừa giúp giải độc vừa bồi bổ rất tốt. Với trẻ em, từ nhỏ đến lớn thường được ăn món cá chép nấu với ốc bươu sẽ không bị bệnh thiên đầu thống...
Tuy nhiên, nếu bạn gặp một con lươn vàng thường ngóc đầu, mình có vẩy mịn thì đừng đụng vào. Đó là loài rắn độc (hoàng xà), thịt nó “dư sức” giết người!