Hiện nay, không chỉ con người được quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng mà ngay cả các vật nuôi cũng cần được chú trọng đến vấn đề này. Dinh dưỡng đảm bảo cho động vật thực hiện các chức năng bình thường, tăng khả năng miễn dịch, sức đề kháng, duy trì nòi giống và phát triển. Cụ thể trong nuôi trồng thủy sản, dinh dưỡng đủ và hợp lý giúp cơ thể của tôm khỏe mạnh, có thêm sức đề kháng, chống lại các loại dịch bệnh và cho năng suất cao.
Nghề nuôi tôm tại Khánh Hòa vốn đã phát triển từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Song hầu hết người nuôi không chú trọng đến vấn đề cân bằng dinh dưỡng cho tôm mà chỉ chú ý làm sao cho tôm ăn đủ lượng trong ngày. Do vậy hiện trạng tôm chết không rõ nguyên do thường xảy ra.
Theo Thạc sĩ Huỳnh Kim Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Khánh Hòa, do người nuôi không hiểu vấn đề dinh dưỡng nên thường đưa rất nhiều lượng thức ăn vào ao, khi tôm ăn không hết lượng thức ăn thừa rơi xuống đáy ao gây ô nhiễm môi trường. Còn trường hợp do thiếu dinh dưỡng thì tôm cũng bị dịch bệnh và chết.
Vụ nuôi năm 2014, toàn tỉnh có khoảng 2000 ha nuôi tôm chân trắng và được ngư dân phát triển với mức độ thâm canh nhằm tăng năng suất. Để giúp người nuôi tôm chân trắng cũng như các cán bộ làm công tác quản lý hiểu rõ thêm vai trò của khoáng vi lượng trong thức ăn thủy sản, Viện Nuôi trồng Thủy sản - trường Đại học Nha Trang đã phối hợp với Trung tâm quốc tế nghiên cứu nông nghiệp Australia tổ chức Hội thảo về dinh dưỡng trong nuôi trồng thủy sản. Tại Hội thảo, các chuyên gia đã tập trung đi sâu vào các vấn đề như nhu cầu dinh dưỡng cho tôm nuôi vùng nhiệt đới, các nghiên cứu xác định nhu cầu dinh dưỡng đối với tôm, loại hình và chức năng của dinh dưỡng với chất lượng tôm, nguy cơ mất cân bằng dinh dưỡng trong tôm do thói quen nuôi truyền thống...
Tiến sĩ Phạm Quốc Hùng - Viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản - Đại học Nha Trang cho biết: Hội thảo cung cấp cho cán bộ quản lý những thông tin căn bản về vai trò dinh dưỡng, cách chọn nguyên liệu thức ăn, lập công thức thức ăn, chế biến nhằm phục vụ nâng cao dinh dưỡng cho nuôi trồng thủy sản. Đây là vấn đề rất quan trọng không những cho cán bộ quản lý mà ngay cả đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thức ăn thủy sản.
Chế độ dinh dưỡng hoàn chỉnh là cần thiết trong nuôi tôm. Điều này đặc biệt quan trọng trong các mô hình nuôi thâm canh và bán thâm canh. Vì khi đó khả năng miễn dịch và đề kháng bệnh của tôm có thể bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng khác nhau, nhất là các vitamin và khoáng chất vi lượng. Như vậy, bổ sung chất dinh dưỡng thích hợp không những giúp loại bỏ bệnh mà còn cho phép hệ thống miễn dịch của tôm hoạt động ở mức tối ưu để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng và bệnh tật. Hiện nay tôm chân trắng vẫn đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Khánh Hòa cho nên, các hộ nuôi tôm trong tỉnh nên quan tâm đầu tư chiều sâu về dinh dưỡng trong nuôi tôm hơn nữa để đạt năng suất tốt hơn, cải thiện chất lượng tôm xuất khẩu, nâng cao hiệu quả kinh tế./.