Ngày 14-3-2013, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đột ngột áp mức thuế chống bán phá giá rất cao đối với philê đông lạnh cá tra Việt Nam. Phóng viên Báo Hải quan phỏng vấn ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng Ban Pháp chế, chất lượng và thương hiệu (Hiệp hội Cá tra Việt Nam) xung quanh vấn đề “nóng” này.
Thưa ông, DOC vừa đưa ra quyết định các DN XK cá tra Việt Nam phải chịu một mức thuế chống bán phá giá cao gấp 25 - 45 lần so với một năm trước đó. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Thứ nhất, Hiệp hội đang soạn thông cáo báo chí và làm văn bản gửi Bộ Thương mại Mỹ, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ khẳng định việc DOC đang làm là vi phạm quy định tính minh bạch của Tổ chức Thương mại thế giới.
Bằng chứng là trước đây, DOC chọn Bangladesh để làm điều tra. Kinh tế, chi phí sản xuất của Bangladesh và Việt Nam tương đương. Nhưng lần này, DOC đã đột ngột quyết định thay đổi quốc gia thay thế để tính giá cá tra của Việt Nam từ Bangladesh thành Indonesia, dẫn đến mức thuế chống bán phá giá trong quyết định cuối cùng lần thứ 8 tăng cao một cách vô lí.
Theo quy định, DOC cần tham vấn nước bị điều tra trước và chứng minh việc chọn Indonesia là đúng và được Việt Nam công nhận thì mới minh bạch. Có thể nói đây là việc hoàn toàn mang tính áp đặt nhằm bảo vệ 69 nghìn ha nuôi cá da trơn của Mỹ.
Thứ hai, việc DOC nói DN Việt Nam bán phá giá cá tra là thiếu thuyết phục. Từ nhiều năm nay, DN Việt Nam luôn luôn bán cá tra vào Mỹ với mức giá cao hơn giá thành. Giả sử DN bán dưới giá thành, DN không thể nào tồn tại được cho đến tận bây giờ. Bởi vì nếu làm như vậy, DN phải rất trường vốn. Vì vậy khó có thể xảy ra việc DN Việt Nam bán cá tra lỗ từ năm 2003 đến nay. Quyết định của DOC nhằm bảo vệ cho sản xuất trong nước vì cá tra Việt Nam thơm ngon hơn, giá bán thấp hơn cá da trơn của Mỹ.
Giá cá tra vào Mỹ thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng thế nào trước phán quyết của DOC, thưa ông?
Việt Nam phải có cơ chế riêng cho thị trường Mỹ. Các DN nên quy định giá “trần” khi XK cá tra vào thị trường và thống nhất với nhau. DN nào bán thấp hơn thì không được XK cá tra vào Mỹ. Đặc biệt những người tham gia Hiệp hội cá tra phải thống nhất với nhau về giá bán vào thị trường Mỹ với mức cao hơn hiện nay.
Đơn cử như người Mỹ muốn ăn cá tra Việt Nam phải ăn với giá từ 5 USD/kg trở lên. Như vậy DOC sẽ không có lí do gì để đánh thuế chống bán phá giá với cá tra của Việt Nam nữa. Mặt khác, chúng ta có 130 thị trường để tiêu thụ cá tra, không phải chỉ có Mỹ. Cho nên DN hoàn toàn có thể tìm kiếm các thị trường tiềm năng khác cho sản phẩm cá tra Việt Nam.
Về lâu dài, tăng giá bán có phải là biện pháp tối ưu để con cá tra của Việt Nam vào Mỹ được thuận lợi?
Nếu tăng giá bán cá tra, DN XK Việt Nam sẽ không bị kiện nữa. Bởi vì khi có một mặt hàng nước ngoài tràn vào, “đè” hàng trong nước, những nhà sản xuất trong nước thường tìm nhiều biện pháp để gây sức ép với hàng nước ngoài. Ví dụ họ lấy lí do bán phá giá hay đã có trợ cấp từ Chính phủ để Chính phủ áp thuế cao đối với mặt hàng đó. Việc áp mức thuế chống bán phá giá đối với cá tra của Việt Nam cũng là buộc Việt Nam phải tăng giá mặc dù chúng ta đã bán cao hơn giá thành.