Vừa mới đây, Shiok Meats, công ty đầu tiên trên thế giới sản xuất thịt tôm từ các tế bào được nuôi trong phòng thí nghiệm cho biết đã hoàn tất màn gọi vốn từ các công ty hàng đầu trong ngành thực phẩm Hàn Quốc là Woowa Brothers Asia Holdings và CJ CheilJedang Corporation. Ngoài ra thương vụ còn có sự góp mặt của Công ty thủy sản Vĩnh Hoàn.
Bên cạnh đó, vòng gọi vốn này nhận được đầu tư từ IRONGREY (công ty gia đình tại Hàn Quốc chuyên đầu tư vào các công ty công nghệ), Big Idea Ventures, Twynam Investments, Henry Soesanto, The Alexander Payne Living Trust,... Tính đến hiện tại tổng số vốn Shiok Meats đã huy động lên tới 30 triệu USD.
Tiến sĩ Sandhya Sriram, Giám đốc điều hành kiêm Đồng sáng lập của Shiok Meats cho biết, 12 - 18 tháng tiếp theo là thời gian quan trọng đối với công ty. Số tiền huy động được sẽ dùng để thúc đẩy các hoạt động R&D cũng như xây dựng một cơ sở sản xuất hiện đại ở Singapore. Theo kế hoạch, Shiok Meats sẽ ra mắt sản phẩm tại Singapore muộn nhất vào năm 2023.
Shiok Meats sẽ dùng số vôn huy động được để thúc đẩy các hoạt động R&D.
Công ty khởi nghiệp Shiok Meats do hai nhà khoa học Sandhya Sriram và Ka Yi Ling được thành lập từ năm 2018. Đây là công ty sản xuất thịt và hải sản dựa trên tế bào đầu tiên ở Đông Nam Á và là công ty sản xuất thịt động vật giáp xác (tôm, tôm hùm, cua, tôm càng) đầu tiên trên thế giới theo hướng bền vững, lành mạnh, không độc hại.
Hiện Shiok Meats có hơn 30 nhà khoa học, kỹ sư, kỹ sư công nghệ thực phẩm và các chuyên gia kinh doanh. Sản phẩm của công ty là thịt nhân tạo sản sinh bằng cách nuôi cấy các tế bào cơ bắp trong một dung dịch huyết thanh dinh dưỡng và phát triển thành miếng thịt động vật.
Theo Sriram, một lợi thế lớn của thịt nuôi cấy là tính bền vững. Loại thịt này cũng sạch hơn, không chứa thuốc kháng sinh, kim loại nặng, vi nhựa hoặc xâm phạm quyền động vật. Mục tiêu của Shiok Meats trong tương lai sẽ đưa công nghệ sản xuất thịt hải sản từ các tế bào trở thành công nghệ hàng đầu trong ngành thực phẩm toàn cầu. Vào năm 2050, công ty đặt tham vọng cung cấp sản phẩm cho 10 tỷ người trên thế giới.
Như vậy, Vĩnh Hoàn sẽ là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam theo đuổi việc đưa tôm "nuôi" trong phòng thí nghiệm vào bữa ăn các gia đình. Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn được thành lập cuối năm 1997 tại phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp với lĩnh vực kinh doanh là gia công xuất khẩu các mặt hàng như cá tra, basa fillet và hàng giá trị gia tăng từ cá tra và cá basa.
Không dừng ở xuất khẩu cá tra, Vĩnh Hoàn còn chuyển sang kinh doanh nhiều sản phẩm khác có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính với nhiều dự án về nuôi trồng, chế biến cá tra, gạo, collagen với sự ra đời của hàng loạt công ty con. Năm 2019, Vĩnh Hoàn ghi nhận sự thành công vượt trội của mảng kinh doanh collagen với lợi nhuận sau thuế vượt qua con số kế hoạch 180 tỷ đồng và doanh số tăng trưởng gần gấp đôi so với năm trước, đạt hơn 550 tỷ đồng.
Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam theo đuổi việc đưa tôm "nuôi" trong phòng thí nghiệm.
Với kết quả trên, Vĩnh Hoàn sẽ tiếp tục triển khai dự án đầu tư mở rộng, nâng cao công suất nhà máy collagen thêm 75%, đạt 3.500 tấn thành phẩm trong năm 2020. Báo cáo tài chính bán niên 2020 xuất hiện khoản tiền đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán gần 194 tỷ đồng, bên cạnh khoản tiền gửi hơn 1.530 tỷ đồng.
Năm 2021, doanh thu từ thị trường Mỹ của Vĩnh Hoàn (VHC) đạt 77% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ nhu cầu tăng cao tại các nhà hàng và ngành dịch vụ thực phẩm tại Mỹ. Nhờ đó, tổng doanh thu tháng 6 của VHC tăng tới 15%, đạt 713 tỷ đồng.
Tại đại hội đồng cổ đông đầu năm nay, Vĩnh Hoàn đặt ra kế hoạch đa dạng hóa hoạt động kinh doanh cốt lõi và trở thành công ty F&B, đầu tư mạnh vào một số dự án với kỳ vọng sẽ tạo ra dòng tiền bền vững trong tương lai. Thương vụ đầu tiên của Vĩnh Hoàn trong kế hoạch này đó là thâu tóm Công ty xuất nhập khẩu Sa Giang, công ty chuyên xuất khẩu bánh phồng tôm và gạo. Đầu năm nay Vĩnh Hoàn cũng vừa thành lập công ty trái cây Thành Ngọc, có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất nước ép từ rau quả và chê biến, bảo quản rau quả.
Bên cạnh đó, dự án thức ăn thủy sản mới với công suất 350 nghìn tấn/năm, chi phí đầu tư khoảng 500 tỷ đồng cũng được triển khai và dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng vào cuối năm nay. Vĩnh Hoàn cho biết cũng có kế hoạch sử dụng một phần nhà máy hiện có để thử nghiệm sản xuất cá hồi cho Mitsubishi. Dự án thử nghiệm này sẽ bắt đầu vào tháng 8/2021 và Mitsubishi sẽ đánh giá sản phẩm trước khi xuất khẩu sang Nhật Bản.