Trong đó, tỉnh chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; giúp người nuôi cá tiếp cận vốn ngân hàng; hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” trong quá trình nuôi cá tra thâm canh xuất khẩu; đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất tiên tiến cho người dân.
Đồng thời, Vĩnh Long cũng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản như đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi cá tra tập trung tại huyện Mang Thít và Vũng Liêm với diện tích 300 ha để nâng cao năng suất, chất lượng phục vụ xuất khẩu đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; triển khai dự án nuôi thủy sản lồng bè đạt tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm theo hướng VietGap.
Vĩnh Long cũng kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư thêm một trại giống thủy sản cấp I quy mô 10 ha trở lên cho tỉnh để cung cấp giống đạt tiêu chuẩn GlobalGAP; xây dựng hệ thống thông tin kịp thời, nâng cao năng lực hoạt động xúc tiến thương mại, đưa ra dự báo, cho người nuôi điều chỉnh sản xuất phù hợp thị trường thế giới.
Hiện cả tỉnh có tới 434 ha mặt nước dùng để thả nuôi cá tra thâm canh, nhưng với những nguyên nhân trên nên chỉ có 310 ha đang thả nuôi, 76 ha chuẩn bị thả nuôi, gần 10 ha chuyển sang nuôi các loại cá khác và 38 ha ao đang “treo”. Bên cạnh đó, nghề nuôi cá lồng bè trong tỉnh cũng đang gặp khó, hiện chỉ còn hơn 650 lồng, giảm hơn 100 lồng; trong đó có hơn 470 lồng bè đang thả nuôi, giảm hơn 160 lồng bè so với cùng kỳ năm trước.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long, giá cá tra nguyên liệu loại 1 hiện nay đã giảm mạnh, chỉ còn 19.000 - 20.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Ước tổng sản lượng thủy sản trong tỉnh 6 tháng đầu năm đạt hơn 73.960 tấn, giảm gần 2,24% so với cùng kỳ năm trước.
Toàn tỉnh hiện còn khoảng 2.500 tấn cá tra đến kỳ thu hoạch nhưng chưa xuất bán được do giá cá thấp. Sở Công Thương Vĩnh Long cũng cho biết, kế hoạch năm 2013 tỉnh sẽ xuất khẩu thủy sản đạt 40 triệu USD, nhưng 6 tháng đầu năm mới đạt 12,2 triệu, giảm giảm 31% so với cùng kỳ năm trước.