Theo nhiều nhà vườn trồng thanh long ở Đồng Tháp, Vĩnh Long và nhất là Long An, Tiền Giang nơi có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất vùng ĐBSCL đang “đứng ngồi không yên” khi mức giá thương lái thu mua sụt giảm không phanh. Nếu trước Tết Nguyên đán thương lái thu mua thanh long đủ chuẩn xuất khẩu với giá trên 35.000 đồng/kg, thì nay họ thông báo chỉ còn 5.000-10.000 đồng/kg.
Một số nhà vườn trồng thanh long ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp và huyện giáp ranh Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long cho biết, dù đã hết mùng 6 Tết, nhưng nhiều vựa thu mua thanh long vẫn còn đóng cửa hoặc chỉ khai trương cúng đầu năm chứ chưa dám thu mua, và đang ngóng thông tin về virus corona diễn biến ra sao, bởi đường xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu đã đóng vì lo ngại dịch bệnh lây lan!
Gia đình chị Trúc Ly ở xã Phú Hựu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp có thâm niên trồng thanh long, vụ này có nguy cơ trắng tay. Chị bộc bạch: Còn khoảng 1 tháng nữa là đến vụ thu hoạch rộ, nhưng từ trước Tết đến nay đi giáp các vựa thanh long trong vùng tìm người mua nhưng ai cũng lắc đầu. Bây giờ chẳng biết làm sao, bỏ tiền đầu tư nữa không biết có ai mua không. 10 công thanh long mỗi tháng chi phí hết 20 triệu đồng, nếu không bán được coi như lỗ hàng trăm triệu đồng!
Chung cảnh ngộ với thanh long, vùng trồng khoai lang Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long chuẩn bị vào vụ thu hoạch, nông dân cũng đang đứng ngồi không yên vì thị trường tiêu thụ mặt hàng này chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện nay, các đầu mối thu mua khoai lang ở Bình Tân cũng không dám mạo hiểm mà chỉ thu mua cầm chừng để phục vụ chế biến trong nước. Giá thu mua cũng không được họ báo trước mà thu hoạch lúc nào tính thời giá lúc đó. Rồi tới đây không chỉ dừng lại ở trái cây như thanh long, khai lang, mít mà các mặt hàng thủy sản, cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc chắc chắn cũng sẽ gặp khó khăn, mà nhà nông sẽ là những người gánh chịu thiệt hại lớn nhất.
Thời điểm này nếu nói tới công tác quy hoạch vùng nuôi trồng để nắm bắt sản lượng sẽ quá muộn, mà phía chủ động là các doanh nghiệp cần phải thận trọng hơn cũng như có những giải pháp tự ứng cứu, không thể hoàn toàn trông chờ vào việc mở cửa trở lại thị trường Trung Quốc. Bởi rau củ, trái cây là những loại nông sản khó bảo quản lâu dài, nếu doanh nghiệp và các ngành chức năng không tìm giải pháp cứu nông dân, thì họ sẽ trắng tay, làm sao có vốn để tái đầu tư. Bài học dịch tả heo châu Phi vẫn còn đó, nông dân không đủ vốn để tái đàn, đẩy giá thịt heo hơi lên 8-9 triệu đồng/tạ, mức cao nhất từ trước đến nay.
Hơn bao giờ hết, doanh nghiệp và các ngành chức năng cần chung tay tìm hướng tháo gỡ sớm nhất để cứu nhà nông, nếu không khi hết dịch virus corona, doanh nghiệp muốn tìm mua nông sản cũng không phải dễ, còn nông dân vốn khó khăn càng khó khăn hơn! Và cũng hy vọng rằng dịch virus corona sẽ sớm được dập tắt để mọi người cùng có cuộc sống an vui!