Ao tôm hơn 10 công của ông Trần Văn Tím, 50 tuổi, ở ấp Giao Bình, xã Giao Thạnh bị bể hôm mùng 4 Tết nhưng bận đi chúc Tết họ hàng nên sáng mùng 5 ông mới hay. Lúc này, ông Tím bắt đầu huy động lực lượng nhân công be bờ lại chờ qua Tết thả giống khác vì cua, tôm trong ao đã theo con nước ra ngoài.
“Mực nước năm nay hơn năm ngoái gần 1 gang tay người lớn, trong khi bờ chủ yếu là đất cát pha nên nếu nước tràn là khó lòng trụ được. Nếu biết nước dâng cao, tôi xổ cống từ mấy hôm trước thì sẽ có lãi chút ít, còn kiểu này, ra giêng chắc phải mượn nợ thả giống mà thôi” - ông Tím buồn rười rượi.
Trong khi đó, ao tôm gần 20 công của gia đình anh Nguyễn Chí Linh, 37 tuổi, ấp Giang Hà, xã An Điền thì bị vỡ bờ hôm mùng 2 Tết. Anh Linh vừa rầu rĩ vừa giận nói: “Kinh nghiệm cho tôi biết là con nước năm nay sẽ rất cao nhưng khổ nỗi có một mình be bờ không nổi, vì anh em họ hàng bận ăn Tết hết trơn rồi”.
Những ao tôm khác bị vỡ bờ cũng do nguyên nhân tương tự như trường hợp ông Tím và anh Linh. Người dân ở khu vực này cho hay, con nước 30 tháng Chạp lên cao đã trở thành thông lệ hằng năm nhưng năm nay lại dâng cao hơn nên họ không trở tay kịp. Đến thời điểm này, tôm sú của họ đã được hơn 2 tháng tuổi (giá bán đã hơn 60 ngàn đồng/kg), cua cũng được hơn 1 tháng tuổi, hơn nữa do ứ cống giữ nước cho tôm sú nhiều tháng qua nên lượng tôm thiên nhiên cũng khá nhiều. Trong khi đó, hàng trăm vuông tôm bị nước tràn bờ nhưng do được phát hiện và bồi đắp kịp thời nên chỉ một số ít tôm sú theo nước tràn ra ngoài, thiệt hại nhẹ.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú, trước Tết đã tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo người dân gia cố bờ bao cho chắc chắn để phòng nước dâng cao bất thường nhưng một số hộ dân chủ quan (không làm) nên mới xảy ra sự cố. Hiện chính quyền địa phương đang thống kê số liệu thiệt hại.