Ông bắt đầu nuôi cá lồng từ năm 2012, sau khi hồ thủy điện Sơn La tích nước. Bao năm gắn bó với nương ngô, nương sắn, ruộng lúa… không hiệu quả. Ông quyết định chuyển hướng làm kinh tế, từ bỏ nương rẫy chuyển sang nuôi cá lồng. Từ 2 lồng cá đầu tiên đến nay ông đã có 30 lồng cá, từ nuôi và bán cá trừ chi phí mỗi năm ông lãi hàng trăm triệu đồng. Điều đặc biệt là quãng thời gian 7 năm nuôi cá lồng của ông chưa lần nào đàn cá xảy ra dịch bệnh hay bị chết.
Ông La chia sẻ: Tôi bắt đầu nuôi cá lồng từ năm 2012, mới đầu tôi nuôi thử 2 lồng, thấy hiệu quả đến năm 2013 tôi làm thêm 5 lồng. Sau đó, năm 2014 tôi tiếp tục làm tăng lên 30 lồng. Đồng thời, thành lập hợp tác xã thủy sản Hồ Quỳnh, với 7 thành viên tham gia. Trong tổng số 30 lồng cá (trong đó, có 9 lồng nuôi cá lăng, 3 lồng nuôi cá trắm, còn lại nuôi cá chép và rô phi), hầu hết cá đều phát triển tốt, lớn nhanh. Hiện trong lông nuôi của ông La trung bình chứa từ 6 tạ - 1 tấn cá, trọng lượng từ 2kg – 3kg/con trở lên.
7 năm ông La nuôi cá chưa lần nào xảy ra bệnh dịch.
Với kinh nghiệm 7 năm nuôi cá của mình, anh La nói rằng: Muốn cá nuôi khỏe mạnh, phát triển tốt thì phải chú ý ngay từ khâu chọn con giống và thường xuyên chú ý phòng dịch bệnh cho cá trong quá trình nuôi. Đặc biệt là khi thả cá giống không được dùng lưới mua mới ngoài thị trường, vì cá giống rất nhạy cảm.
Thông thường các loại lưới mua ngoài thị trường phần lớn đều nhuộm và tẩm thuốc bảo quản chống gỉ, mọt. Nên khi lắp lưới vào lồng phải ngâm nước trước một tháng, để lưới nhả hết thuốc như thế cá sẽ không bị chết.
Lồng cá của ông La được thiết kế bài bản, rộng rãi.
Theo ôn La, lồng nuôi thường bị một số loại vi khuẩn, ký sinh trùng bệnh bám vào khiến cho môi trường nước hay bị ô nhiễm, gây ra một số bệnh cho cá như: Bệnh nấm da, bong vảy, mắt lồi… Đối với các loại bệnh này, hơn hết là chỉ nên phòng hơn chữa, phần lớn nếu bệnh đã xảy ra rồi thì rất khó chữa...
"Theo đó, cách làm hiệu quả nhất là làm sạch môi trường trong nước: Thứ nhất là mỗi tuần một lần rắc một ít vôi bột với tỷ lệ hợp lý vào nước trong lồng nuôi; thứ hai là lấy một nắm lá xoan trộn với ít vôi bột bọc kín trong túi vải treo vào trong lồng cá, mực nước sâu khoảng 1m, khi treo phải chú ý hướng nước chảy, nước chảy hướng nào treo vào đầu dòng chảy hướng đó. Chỉ với cách làm này, mà 7 năm nay tôi nuôi cá chưa lần nào cá bị bệnh hay bị chết”, ông La chia sẻ.
Ngoài cá trắm cỏ, cá chép, cá rô phi, ông La còn nuôi các loại cá đặc sản như cá lăng...
Ngoài phòng bệnh tốt cho cá thì ông La còn thường xuyên chú ý khâu cho cá ăn đầy đủ phù hợp. Theo ông La, muốn cá ngon thịt không nên dùng quá nhiều thức ăn công nghiệp, chỉ nên cho ăn những loại thức ăn như: Cỏ voi, lá chuối, sắn nghiền hoặc cá tép dầu, tép sông, những loại thức ăn này đều có thể tự làm ra. Cây chuối, cỏ voi, sắn có thể trồng trên nương, cá tép dầu, tép sông có thể đánh bắt bằng vó bè, bởi loại cá này rất phong phú có thể dùng vó bè để đánh bắt.
Vì thế ông La đầu tư làm 8 chiếc vó bè với mắt lưới đúng quy định đánh bắt tép trên sông làm thức ăn cho cá. Trung bình mỗi ngày ông đánh được từ 2 – 3 tạ cá tép, một phần ông sử dụng làm thức ăn cho cá, thừa bao nhiêu ông đem bán cũng kiếm được thêm chút tiền tiêu. Từ nuôi cá lồng, trừ chi phí mỗi năm ông lãi 200 - 300 triệu đồng.
Toàn cảnh khu nuôi cá lồng của gia đình ông La.
Những năm gần đây, mô hình nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế giúp nhiều người nông dân có thu nhập ổn định. Vì thế nhiều nông dân đã không còn thiết tha với công việc nương rẫy, trồng ngô, trồng sắn, mà chuyển sang nuôi cá lồng. Nhiều nông dân nuôi cá lồng đã thoát được nghèo và làm giàu.