Doanh nghiệp tiếp tục kêu cứu
Vừa qua, một số doanh nghiệp sản xuất tôm giống tiếp tục kêu cứu vì bị áp đặt truy thu thuế đối với loại sản phẩm thức ăn nhập khẩu cho tôm là trứng artemia với số tiền hàng tỷ đồng. Mặc dù trước đó, theo quy định mới tại Nghị định 122/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 1/9/2016 đã xác định mặt hàng artemia được hưởng ưu đãi thuế là 0%.
Cụ thể, theo phản ánh của Công ty TNHH Anh Việt (Bình Thận), thời điểm cuối năm 2016, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp này, đồng thời gửi công văn ấn định và truy thu thuế với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Cùng đó, Chi cục Kiểm tra sau Thông quan (thuộc Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh) ra thông báo tiền phạt do nộp chậm hơn 285 triệu đồng và tiếp theo còn phạt vi phạm hành chính.
Giải thích về việc này, phía Hải quan cho rằng, 80% công ty nhập khẩu trứng artemia đã khai mã hàng 0511 và nộp thuế đầy đủ, chỉ có 20% công ty còn lại khai chưa đúng nên bị truy thu thuế. Thế nhưng, theo đại diện một doanh nghiệp sản xuất tôm giống, thì đến nay Hải quan Việt Nam vẫn có cách tính “đặc biệt”. Bởi, nhập trứng artemia nghiền ra thành bột thì áp mã 2309 và hưởng thuế 0%, còn trứng artemia nhập về để nghiền đưa vào mã 0511 bị tính 5% (dù đều dùng làm thức ăn cho tôm), trong khi ở Mỹ chỉ có một mã số cho trứng artemia với tên gọi là sản phẩm dùng cho tôm.
Thế nhưng, cái mà doanh nghiệp thắc mắc thì đến nay phía Hải quan chưa trả lời được. Là tại sao hồ sơ nhập khẩu của doanh nghiệp trước đây đã được phía Hải quan chấp thuận và cho thông quan, doanh nghiệp đã được hưởng ưu đãi, hà cớ gì phải đến tận sau 5 năm Hải quan mới “rà soát lại” để rồi khẳng định là doanh nghiệp vi phạm và áp thuế truy thu của họ số tiền nhiều tỷ đồng? Hơn nữa, việc “rà soát” muộn như vậy khiến các doanh nghiệp trước đây tưởng được miễn thuế artemia đã không tính toán vào giá bán nên giờ không thể truy thu của người bán tôm, cái này ai sẽ bù cho họ? Cùng đó, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, nếu doanh nghiệp tiếp tục bị truy thu thuế thì sẽ dẫn đến sự phá sản của nhiều doanh nghiệp sản xuất tôm giống (hiện đã có 2 doanh nghiệp bị truy thu thuế tuyên bố phá sản). Bởi số tiền truy thu không lớn khi nộp vào ngân sách, nhưng với doanh nghiệp, họ sẽ gặp rất nhiều trở ngại.
Bao giờ có tiếng nói chung?
Trước đây, trần tình về việc áp thuế nhập khẩu artemia là 5% rồi giảm xuống 3% sau khi nhiều doanh nghiệp kêu cứu, Bộ Tài chính cho rằng, việc áp thuế này dựa theo quy định tại biểu khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành thì mặt hàng trứng artemia có mức cao nhất là 5%, mức cam kết trần WTO là 5%, do đó, việc áp thuế 5% là đúng. Còn việc giảm mức thuế là do kiến nghị của Bộ NN&PTNT về việc điều chỉnh thuế suất mặt hàng này. Hơn nữa, theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì việc điều chỉnh thuế nhập khẩu mặt hàng này phải đảm bảo tính khả thi và phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 là không ban hành chính sách thuế làm giảm thu ngân sách nhà nước và mặt hàng này trong nước đã sản xuất được. Do vậy, việc áp thuế này còn là khuyến khích sản xuất trong nước.
Vậy nhưng, theo số liệu của Tổng cục Thủy sản: nhu cầu trong nước đối với mặt hàng artemia vào khoảng 200 tấn, sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu. Còn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc áp thuế nhập khẩu đối với mặt hàng trứng artemia dùng làm thức ăn cho con tôm phản tác dụng, tiền thuế thu được không đáng kể so với kim ngạch xuất khẩu của con tôm. Mặt hàng trứng artemia áp dụng thuế suất 0% là hợp lý, bởi chỉ dùng làm thức ăn cho tôm giống và cá giống, không sử dụng vào những việc khác.
Nếu tiếp tục bị truy thu thuế hay áp thuế với mặt hàng trứng artemia, không chỉ nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản vì không còn khả năng duy trì sản xuất, mà ngành sản xuất tôm giống cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Bởi hoặc doanh nghiệp sẽ tính vào giá thành sản xuất tôm giống, hoặc doanh nghiệp tôm giống sẽ thay thế hoặc cắt giảm thức ăn trứng artemia chất lượng tốt, thay vào đó là thức ăn thông thường rẻ hơn rất nhiều. Cả hai lựa chọn này đều không có lợi cho ngành tôm Việt Nam xét về tất cả các khía cạnh.
Lựa chọn hơn thiệt trước mắt và lâu dài, hy vọng các bộ sẽ đồng nhất được ý kiến và có quyết định tối ưu nhất, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, rằng tạo mọi điều kiện để ngành tôm Việt Nam phát triển thành ngành sản xuất công nghiệp lớn.