* Hé mở lối ra
Lối ra ở vụ tôm 2013 được ông Phạm Minh Tiền-Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng chỉ ra là: Môi trường đang có dấu hiệu phục hồi và nếu quản lý tốt mật số vi khuẩn vibrio trong ao nuôi sẽ hạn chế được phần lớn thiệt hại do hội chứng hoại tử gan tụy cấp. Ông Phạm Minh Tiền cho biết: “Tại khu vực vùng nuôi của Hiệp hội, những hộ nuôi với mật độ thưa, nuôi quảng canh và cả nuôi thâm canh, nếu quản lý tốt môi trường ao nuôi, nhất là mật số vibrio hầu hết đều cho thu hoạch thành công”. Đồng tình với nhận xét này, ông Phạm Hồng Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, phân tích: “Một trong những nguyên nhân thành công từ đầu vụ đến nay là do khung lịch thời vụ đưa ra khá phù hợp với thực tế vùng nuôi. Việc nạo vét một số tuyến kênh thủy lợi chính và nhất là giá tôm ổn định ở mức cao giúp người nuôi an tâm đầu tư ngay từ khâu cải tạo ao, xử lý nước, chọn con giống… theo khuyến cáo của ngành chức năng. Vì vậy, kết quả thu hoạch 270ha tôm nuôi của huyện hầu hết đều cho lợi nhuận cao và tỷ lệ thiệt hại chỉ khoảng 15%”.
Tín hiệu lạc quan khác chính là sự chuyển biến rõ nét về ý thức cộng đồng được thể hiện qua việc các hộ nuôi tôm liên kết với nhau thông qua các hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) hay hiệp hội nuôi tôm. Hiện nay Sóc Trăng có 12 HTX nuôi tôm, các xã viên làm ăn liên kết, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi kỹ thuật về quản lý nguồn nước, phòng ngừa dịch bệnh bảo vệ môi trường và thả tôm đúng theo lịch thời vụ. Nhiều tổ chức hợp tác nuôi tôm trở thành điểm sáng về hiệu quả như: HTX Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông (thị xã Vĩnh Châu), HTX lúa-tôm Hòa Lời, xã Ngọc Đông (Mỹ Xuyên)... Riêng Hiệp hội tôm Mỹ Thanh hiện có 160 hội viên với quy mô diện tích nuôi lên đến 2.700ha là cánh tay đắc lực của ngành nông nghiệp trong công tác điều hành, chỉ đạo sản xuất. Các mô hình nuôi tôm an toàn sinh học ngày càng được nhiều người nuôi áp dụng như: mô hình tôm-lúa, tôm ghép với cá rô phi, nuôi tôm 2 giai đoạn…đã khẳng định về tính hiệu quả, ổn định và bền vững.
* Vẫn chưa hết khó
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, băn khoăn: “Với tiến độ thả như vừa qua, từ nay đến cuối vụ (tháng 7) Vĩnh Châu chỉ đạt từ 60-70% kế hoạch và số còn lại chủ yếu rơi vào những hộ thiếu vốn. Đây cũng là bài toán khó nhất cho vụ tôm năm nay. Trong khi đó, do trước đây, công tác quản lý vùng nuôi, dịch bệnh không chặt, nên chính sách hỗ trợ thiệt hại ở vụ nuôi 2012, chính sách bảo hiểm tôm nuôi vụ nuôi 2013 đến nay vẫn chưa thể triển khai thực hiện được. Những vấn đề này cũng đang gây khó khăn cho việc đầu tư nuôi mới ở năm 2013 và làm chậm tiến độ thả nuôi chung”. Ông Lâm Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề, cho biết: “Người nuôi vẫn đang trông chờ chính sách hỗ trợ thiệt hại năm 2012 và chính sách bảo hiểm tôm nuôi 2013. Vì nếu không có bảo hiểm, các đại lý con giống, thức ăn sẽ không đầu tư; trong khi phần lớn người nuôi hiện không còn vốn để đầu tư”.
Sau những trận mưa đầu mùa lớn, kéo dài, tại một số vùng nuôi tôm ở tỉnh Sóc Trăng đã xuất hiện bệnh phân trắng, nếu người nuôi không có kinh nghiệm rất dễ bị thiệt hại. Đối với hội chứng hoại tử gan tụy cấp, theo ông Phạm Minh Tiền, Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, vấn đề người nuôi đặt ra hiện nay là biện pháp nào để phòng hay khống chế mật số vi khuẩn vibrio một cách hiệu quả và mang tính lâu dài để người nuôi tôm an tâm khi đầu tư. Riêng vấn đề quản lý con giống, ông Nguyễn Chí Công đề xuất: “Để quản lý tốt chất lượng con giống, cái gốc vấn đề nằm ở chất lượng tôm bố mẹ, nhất là con giống bố mẹ tôm thẻ chân trắng. Hiện nay, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng cao và thường được nuôi từ 2-3 vụ/năm nên nhu cầu con giống lớn, các cơ sở sản xuất cho sinh sản nhiều lần, làm cho chất lượng con giống xấu. Cần phải xác định chính xác vấn đề này để đưa ra khuyến cáo phù hợp cho việc phát triển diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng để vừa có con giống đạt chất lượng vừa ít gây biến động về môi trường”.
Đến cuối tháng 6-2013, toàn tỉnh Sóc Trăng thả nuôi 25.000 ha tôm nước lợ, đạt 55,5% kế hoạch, bằng 83,8% so cùng kỳ năm 2012. Trong đó, tôm thẻ chân trắng 7.241ha, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.
Qua thu hoạch gần 900ha tôm sú và 1.591ha tôm thẻ chân trắng đạt sản lượng gần 10.000 tấn. Diện tích thiệt hại tính cuối tháng 6-2013 chiếm 23,3% diện tích tôm thả nuôi, nhưng so với năm 2012 giảm 37%.