Đầm của ông giờ không chỉ là nơi nuôi trồng thủy sản, mà Hai Hùng đã tự khai thác thành “tour du lịch” giá rẻ.
“Robinson” giữa đầm Thị Tường
Chiếc vỏ lãi của con trai ông “vua đầm” tên Nguyễn Phi Thòn nhẹ nhàng lướt sóng đưa chúng tôi từ đất liền thuộc địa phận huyện Phú Tân ra “dinh thự” của Hai Hùng nằm chơi vơi ngoài đầm Thị Tường. Đây là chốn thiên đường mà thiên nhiên ban tặng cho dân miền Tây nói chung và Cà Mau nói riêng.
Theo truyền thuyết, đầm có tên là Bà Tường (người tiên phong khai phá đầm), dần về sau người dân địa phương quen miệng gọi là đầm Thị Tường. Đầm dài 10km, chỗ rộng nhất cũng phải hơn 3km, với diện tích mặt nước khoảng 700ha. Đầm Thị Tường có 3 đầm chính là: Đầm trong; đầm giữa và đầm ngoài, nằm tiếp giáp 3 huyện của tỉnh Cà Mau là Cái Nước, Phú Tân và Trần Văn Thời.
Trước khi bước chân lên căn nhà sàn rộng đến 8 gian của Hai Hùng, chúng tôi đã nghe người dân bản xứ nói về cái biệt danh “vua đầm” của ông. Số là, cách đây vài chục năm, Hai Hùng dẫn theo vợ con ra cất căn chòi nhỏ ở đầm giữa để ở. Ông chấp nhận bỏ đất liền ra sống ung dung, tự tại như “Robinson” giữa chốn thiên nhiên huyền bí này. Ban đầu, căn nhà của Hai Hùng nhỏ xíu chỉ đủ để vợ chồng ông và hai người con trai đầu lòng ăn ở. Cuộc sống của gia đình Hai Hùng thời ấy chỉ dựa vào nguồn lợi cá, tôm, cua, ghẹ… trong đầm. Chính những nguồn lợi thủy sản này đã giúp cho Hai Hùng trở nên “giàu có” giữa đầm Thị Tường. Điều này đã lôi kéo hàng chục cư dân khác ra đầm cất nhà mưu sinh. Ngoài ra, cái tên “vua đầm” còn được hiểu theo một nghĩa khác đơn giản hơn là vì hiện tại Hai Hùng có đến vài chục căn chòi lớn nhỏ giữa đầm nước mênh mông này.
Chiếc vỏ máy chạy chừng nửa tiếng, căn nhà sàn 8 gian rộng của Hai Hùng giữa đầm Thị Tường đã dần hiện ra. Nhà của ông “vua đầm” sàn được lót bằng ván cách mặt nước hơn 1m, vách và mái nhà lợp bằng lá. Đặc biệt nhà có vô số cửa sổ để đón gió biển, mà theo lời con trai Hai Hùng, ông cất nhà không tốn tiền thợ, chỉ tốn 1 con heo, 3 con chó và hơn trăm lít rượu. “Bạn bè ba tui nhiều lắm. Họ làm không đấy chứ ông già không rành lắm nghề mộc” – anh Thòn cười nói vui vẻ với khách.
Thuyền cập vào nhà, Hai Hùng nở nụ cười khoan khoái mời chúng tôi lên nhà chơi. Một bình trà “quạo” được Hai Hùng pha vội mời khách. Ngồi bệt xuống sàn nhà của Hai Hùng, uống tách trà nóng, chúng tôi có cái cảm giác như mình đang ở chốn thiên đường. Gió biển thổi ào ào mát tận ruột gan, dưới sông những con sóng nhấp nhô đập vào nhau như một tiếng nhạc du dương.
Đăng lú để bắt tôm cá trên đầm Thị Tường.
“Hai có nhà và đất trong xã Phong Lạc hơi bị nhiều à nghen. Hơn 20 năm trước, trong một lần ra chơi ngồi lai rai ngoài đầm với chiến hữu, Hai cảm thấy thích thú khi ngồi trên chòi giữa đầm, gió mát, cá tôm muốn ăn chỉ cần thả lưới là có. Sau mấy đêm suy nghĩ, Hai quyết định đưa vợ con ra đây sống cho tới bây giờ” – Hai Hùng hồi tưởng lại.
Nghe chồng kể chuyện, bà Dương Thị Lụa (51 tuổi), vợ Hai Hùng chen vào: “Hồi đó, tui khóc muốn khô nước mắt với ổng. Đang yên lành ở trong bờ, ổng quyết định dỡ nhà ra ngoài này. Không quen cảnh buồn tẻ, tối ngày chỉ quanh quẩn trong căn nhà sàn, nhớ đất liền dữ lắm. Vậy mà bây giờ có cho vàng kêu tui vào bờ tui cũng hổng vô. Ở riết rồi tui cũng lây cái tính của ổng”.
Hơn 20 năm sống trên đầm, các con Hai Hùng như những “ngư thủ” thực thụ. Theo lời ông “vua đầm” thì cá tôm, cua, ghẹ… dưới đầm Thị Tường ngày xưa nhiều vô kể. Song vài năm trở lại đây, do người dân khai thác vô tội vạ, nên trữ lượng tôm cá bây giờ chỉ bằng 1/10 so với ngày xưa.
Biến đầm hoang thành điểm du lịch
Với Hai Hùng, việc tôm cá dưới đầm Thị Tường vơi cạn không thể làm khó được ông. Nghĩ đi nghĩ lại, Hai Hùng quyết định làm du lịch. Ông mở các “tour” giá rẻ phục vụ khách tham quan tứ xứ. Cũng bằng cái tính của người nông dân miền Tây, dần dần nhà của Hai Hùng đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách trong và ngoài nước. Kể về con đường làm du lịch của mình, Hai Hùng khoái trí nói: “Nói là tour du lịch cho vui vậy chứ có kiếm được bao nhiêu tiền đâu. Họ là dân xứ xa đến với xứ mình, họ yêu quê hương mình có phong cảnh đẹp thì ngại gì mình không bỏ công sức ra mà quảng bá cho quê hương mình”. Bà Lụa cho biết, ban đầu khách của gia đình bà chỉ là mấy ông nhà văn, nhà báo về để quay phim, viết phóng sự về cảnh đẹp của đầm Thị Tường. Khi họ đến đây, Hai Hùng tiếp đón bằng cái lòng hiếu khách, có gì đãi ăn thứ đó. Ngoài ra, Hai Hùng còn làm hướng dẫn viên bất đắc dĩ khi chở khách bằng vỏ máy dạo quanh đầm.
“Đi đâu thì mất tiền nhiều, chứ đến với “tour” du lịch của Hai thì rẻ bèo hà. Ai muốn dạo quanh đầm bất kể ngày hay đêm, cứ điện cho Hai trước để Hai chuẩn bị các món đặc sản ở đầm mà thết đãi. Chơi thoải mái luôn, khi nào chán thì về, Hai chỉ lấy tiền cơm và tiền xăng dầu thôi (một người khoảng 200.000 đồng). Còn ăn ở, tắm giặt thì Hai miễn phí luôn” – ông Hùng giới thiệu về điểm du lịch của mình.
Để đón khách, Hai Hùng không ngừng cơi nới nhà mình. Chỉ tay về đống cây vừa được đốn ra từ đất liền, Hai Hùng cho biết: “Nhà Hai bây giờ có thể chứa được 30 - 40 người. Nhưng Hai thấy chưa đủ, mới rồi kêu tụi nhỏ đốn thêm cây, lá để Hai cất thêm căn nhà nữa cho khách ở chơi rộng rãi. Từ một chiếc vỏ máy ban đầu, giờ Hai đã sắm thêm mấy chiếc để phòng khi có khách đông có phương tiện mà đưa họ dạo quanh đầm chơi”.
Chiều dần buông, Hai Hùng lấy vỏ máy đưa chúng tôi vào bờ mà miệng không ngớt lời: “Khi nào rảnh ra nhà Hai chơi, phải ở lại đêm mới thấy cảnh đẹp của đầm Thị Tường nghen mấy em”.
Để có điện, Hai Hùng đầu tư cả mấy chục triệu đồng kéo từ đất liền ra, ông còn khoan giếng nước sâu hơn 120m để lấy nước ngọt sử dụng. Ngoài ra, Hai Hùng còn trồng rau, nuôi heo, gà vịt… nhằm tạo thêm phong cảnh cho khách vui mắt. Ấy vậy mà một năm Hai Hùng phải đón tới hơn chục đoàn khách lớn...