NGƯ DÂN THIẾU VỐN
Theo Sở NN-PTNT, trong quá trình triển khai Nghị định 67, Phú Yên gặp một số khó khăn như phần lớn ngư dân đăng ký đóng mới thiếu vốn đối ứng; ngư dân hợp đồng đóng tàu, mua máy tàu, vật tư đều phải nộp thuế giá trị gia tăng, nhưng theo hướng dẫn của ngành Thuế, từ ngày 1/1/2015, tàu đánh bắt xa bờ, máy móc thiết bị phục vụ hoạt động đánh bắt xa bờ không thuộc diện hoàn thuế giá trị gia tăng… Mặc dù đã phổ biến cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh nhưng đến nay chưa có ngư dân nào đăng ký học lớp đào tạo thuyền viên vận hành tàu vỏ sắt, vỏ vật liệu mới, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới. Hiện Phú Yên có 14 tàu dịch vụ hậu cần nhưng hầu hết công suất nhỏ hơn 400CV nên chưa đủ điều kiện để hỗ trợ theo Nghị định 67... Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Để tháo gỡ khó khăn về vốn đối ứng của ngư dân, sở đề nghị Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Phú Yên hướng dẫn chi tiết điều kiện vay vốn từ gói tín dụng 1.000 tỉ đồng bổ sung vốn đối ứng đóng tàu để ngư dân tiếp cận, vay được vốn. Trước đây, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT-TT) đã cấp cho trạm bờ Phú Yên các dải tần số 7412KHz, 4510KHz và 13482KHz để liên lạc giữa trạm bờ với các đài tàu của ngư dân được trang bị thiết bị. Tuy nhiên, ngư dân chỉ gửi được tin nhắn ở dải tần số 7412KHz nên tình trạng nghẽn mạng cục bộ thường xuyên xảy ra. Sở NN-PTNT đề nghị Cục Tần số vô tuyến điện cấp cho trạm bờ Phú Yên thêm một tần số ở dải tần 9000KHz”.
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc cho biết, mặc dù tỉnh đã tích cực chỉ đạo và triển khai Nghị định 67 nhưng việc thực hiện nghị định này còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhất là việc ngư dân thiếu vốn đối ứng và vốn lưu động, một số chủ tàu còn mắc nợ ngân hàng nên cũng không thể vay được vốn mới. Tỉnh đang cố gắng tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc nhằm tạo điều kiện để triển khai Nghị định 67 được thuận lợi.
NGUY CƠ BỊ CẮT SỐ LƯỢNG TÀU ĐÃ PHÂN BỔ
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), Chính phủ đã đồng ý cho các tổ chức, cá nhân có tàu công suất từ 400CV trở lên thực hiện một hoặc nhiều hạng mục nâng cấp tàu mà không thay máy thì được hưởng hạn mức vay, lãi suất vay và mức bù chênh lệch lãi suất như đối với trường hợp nâng cấp tàu vỏ gỗ có tổng công suất máy chính dưới 400CV thành tàu có công suất từ 400CV trở lên. Các thành viên nghiệp đoàn nghề cá tham gia khai thác hải sản, làm dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ được hưởng chính sách bảo hiểm như là thành viên tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản. Về máy tàu, trường hợp đóng mới tàu cá phải sử dụng máy mới; trường hợp nâng cấp tàu cá vẫn được sử dụng máy cũ. Về chính sách tín dụng, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất việc cho vay thương mại đối với phần vốn đối ứng và điều chỉnh lãi suất cho vay vốn lưu động, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ NN-PTNT, bộ đã tổng hợp và đề nghị Chính phủ kéo dài thời gian cho vay đóng mới tàu vỏ thép từ 11 năm lên 16 năm. Về thiết kế mẫu tàu vỏ gỗ, bộ đang phối hợp và giao cho một số tỉnh (khoảng 18 tỉnh) tổ chức thiết kế theo từng nhóm nghề hoạt động; trên cơ sở này bộ sẽ ban hành một số mẫu thiết kế chung cho từng nhóm nghề, từng vùng miền… Về chính sách đầu tư đối với 17 dự án Phú Yên đăng ký bổ sung, bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Yên mới đây, thay mặt đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, kết luận: Việc thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản ở Phú Yên so với các địa phương khác vẫn còn chậm, 5 nhóm chính sách (tín dụng, đầu tư, thuế, bảo hiểm và nhóm chính sách khác) triển khai chưa đồng bộ. Số lượng đăng ký nâng cấp tàu cá và đăng ký đóng mới tàu vỏ sắt của ngư dân Phú Yên còn hạn chế. Phú Yên hiện có khoảng 1.100 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên, nhưng số lượng tham gia bảo hiểm theo Nghị định 67 vẫn còn hạn chế, chỉ khoảng 165 tàu. Trung ương đã phân bổ cho Phú Yên đến năm 2016 đóng mới 190 tàu công suất từ 400CV trở lên, trong đó có 20 tàu dịch vụ hậu cần, nhưng với tiến độ như hiện nay sẽ không đạt. Tổng cục Thủy sản sẽ kiến nghị Bộ NN-PTNT cắt bớt số lượng phân bổ tàu đóng mới ở Phú Yên cho một số tỉnh khác.
Ông Nguyễn Ngọc Oai đề nghị: Phú Yên cần triển khai các nhóm chính sách của nghị định một cách đồng bộ, sâu sát hơn; cần cân nhắc tỉ lệ đóng mới tàu đối với vỏ gỗ và vỏ thép, nên định hướng tàu vỏ thép cho ngư dân để nâng cao tính bền vững; nâng cấp các tàu cũ đảm bảo đủ điều kiện an toàn để ngư dân khai thác đánh bắt hiệu quả; có giải pháp hỗ trợ ngư dân vay được vốn lưu động phục vụ cho chuyến biển nhằm hạn chế việc vay của các chủ vựa, tránh tình trạng ngư dân bị ép giá. Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm đến công tác đào tạo thuyền viên, nâng cấp trạm bờ, bổ sung đội ngũ đăng kiểm viên đáp ứng nhu cầu phát triển nghề cá của tỉnh…
Đến nay, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã vay vốn đóng mới 4 tàu vỏ gỗ hoạt động nghề lưới vây rút chì và 1 tàu vỏ thép. Trong đó, 4 tàu vỏ gỗ được đóng mới tại Công ty TNHH Trung Tâm (Bình Định), đến nay đã lắp xong phần vỏ và đang lắp đặt máy chính; dự kiến trong tháng 10/2015 các tàu này sẽ hoàn thành và hạ thủy. Đối với tàu vỏ thép, chủ tàu đang hợp đồng với Công ty TNHH Đóng tàu Cam Ranh (Khánh Hòa) triển khai đóng mới.