Mối bận tâm về dịch bệnh
Dịch bệnh trên tôm nuôi hiện nay đã trở nên phổ biến, thường xuyên xảy ra, gây tổn thất lớn cho người nuôi. Các hộ nuôi tôm có kinh nghiệm cho biết, nếu như là vụ nuôi năm 2022, người nuôi phải đối mặt với hai khó khăn lớn là độ mặn thấp và EHP (bệnh do vi bào tử trùng kí sinh trong gan, tụy tôm) xuất hiện ngay từ đầu vụ nuôi thì ở vụ nuôi năm nay, khó khăn thậm chí còn nhiều hơn nên số hộ nuôi thua lố do đó cũng cao hơn, kể cả một số hộ nuôi thu hoạch có năng suất tương đối khá. Đó cũng là lý do vì sao, mặc dù sản lượng tôm nuôi 7 tháng đầu 2023 vẫn đạt khá cao nhưng số diện tích hiện còn thả nuôi đang rất thấp so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh hai nguyên nhân chính là chi phí vụ nuôi tăng cao trong khi giá tôm suy giảm thì yếu tố thời tiết thất thường, nhất là bệnh do EHP và bệnh đốm trắng vẫn còn hiện diện gây nên nhiều thiệt hại tại hầu hết các vùng nuôi.
Tại tỉnh Cà Mau, nơi có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn nhất cả nước, tình hình dịch bệnh đã và đang diễn ra trên nhiều diện tích ao nuôi, kể cả ao nuôi công nghiệp lót bạt với hệ thống xử lý nước tiên tiến khiến nhiều hộ nuôi tôm lâm vào tình cảnh khó khăn. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh, so với cùng kỳ 2022 thì trong 8 tháng đầu năm, toàn tỉnh có gần 14.500 ha tôm nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến bị thiệt hại do dịch bệnh, tăng gần 2.000 ha.
Dịch bệnh ở tôm vẫn còn hiện diện gây nên nhiều thiệt hại tại hầu hết các vùng nuôi. Ảnh: truongsinhgialai.com
Không chỉ với mô hình kể trên mà ngay cả mô hình nuôi thâm canh và siêu thâm canh cũng có tỷ lệ thiệt hại đáng kể do dịch bệnh. Chỉ riêng tháng 8, toàn tỉnh Cà Mau có 13,27 ha diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh bị nhiễm bệnh chết, tăng 2,87 ha so với tháng trước, nâng tổng số diện tích tôm nuôi thâm canh, siêu thâm canh bị nhiễm bệnh thiệt hại trong 8 tháng đầu năm lên 71 ha, tăng 8,32 ha so với cùng kỳ năm ngoái. Để tránh lây lan dịch bệnh, ngành nông nghiệp tỉnh đã xuất hơn 25 tấn Chlorine để khử trùng diện tích nhiễm bệnh.
Ghi nhận từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tinh Trà Vinh, trong số 6.536 ha tôm thẻ chân trắng được thả nuôi đã có 821 ha với 537 triệu con giống bị thiệt hại, chiếm 12% lượng giống thả nuôi. Đối với diện tích nuôi tôm sú, tuy con số thiệt hại chỉ ở mức 614 ha so với 22.818 ha diện tích thả nuôi nhưng lượng giống thiệt hại là 104 triệu con, chiếm 9% lượng con giống thả nuôi.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tinh Trà Vinh, ông Nguyễn Văn Quốc cho biết tôm nuôi thiệt hại vừa qua phổ biển là ở giai đoạn 25 - 55 ngày tuổi. Kết quả xét nghiệm cho thấy, đa số tôm có dấu hiệu bệnh đốm trắng, đỏ thân, gan tụy, đường ruột và chậm phát triển giai đoạn đầu. Đã có thời điểm ngành nông nghiệp tỉnh đã đưa ra khuyến cáo người dân tại một số vùng xảy ra bệnh dịch tạm ngưng thả nuôi để tránh rủi ro, thiệt hại.
Có thể thấy, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi từ đầu năm đến nay tuy chưa phải là lớn và lây lan trên diện rộng, nhưng cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và lợi nhuận của người nuôi; nếu không có các giải pháp phòng chống kịp thời thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Mặt khác, theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt nam, ngoại trừ một số vùng nuôi bị nhiễm bệnh dẫn đến giảm năng suất thì phần lớn đều cho rằng, năm nay nuôi tôm rất dễ đạt năng suất, nhờ tôm lớn nhanh, tỷ lệ sống cao,… nhưng vẫn không có lời, thậm chí là lỗ chủ yếu xuất phát từ việc giá tôm xuống dưới mức giá thành. Cục Thủy sản cũng ghi nhận sản lượng tôm nuôi 7 tháng đầu năm tăng 4% so với cùng kỳ 2022, khi đạt 552,3 nghìn tấn.
Đẩy mạnh các giải pháp quản lý ao nuôi
Vào cao điểm mùa mưa bão, nên việc quản lý, chăm sóc ao tôm luôn gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Tép Bạc
Hiện các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long đang bước vào cao điểm mùa mưa bão, nên việc quản lý, chăm sóc ao tôm luôn gặp rất nhiều khó khăn. Chưa kể, một số mầm bệnh nguy hiểm như: Đốm trắng, phân trắng và nhất là nguồn bệnh từ EHP vẫn còn lưu hành tại hầu hết các vùng nuôi, khiến vụ tôm nghịch sẽ càng thêm khó.
Bên cạnh đó, do giá tôm gần đây bắt đầu tăng lên, nên một số hộ nuôi cũng đang rục rịch tìm vốn để thả giống. Vấn đề đáng lo ở đây bởi hiện tại, hầu hết các nguồn cung cấp nước cho vùng nuôi đã không còn độ mặn, nên ngoài số hộ có nước trữ lại từ vụ nuôi trước thì những hộ khác phần lớn là sử dụng nước ngầm. Trong khi đó, theo khuyến cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Träng, người nuôi không nên sử dụng nước ngầm để nuôi tôm vì nguồn nước này thường chứa nhiều kim loại nặng và khí độc, tiềm ẩn không ít rủi ro.
Liên quan đến bệnh do EHP, theo như ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HDQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta nhắc tới như là một mối nguy thường trực đối với người nuôi tôm. Ông Lực chia sẻ: "Bây giờ mỗi khi nói tới EHP là người nuôi rất sợ, bởi bệnh này rất khó diệt, lại không làm tôm chết nhanh, chết nhiều, mà tôm vẫn cứ ăn đều đều, nhưng không chịu lớn, khiến chi phí vụ nuôi ngày một tăng cao nếu không phát hiện và đưa ra quyết định xử lí kịp thời, phù hợp”.
Để chủ động ứng phó với điều kiện thời tiết cực đoan và hạn chế được dịch bệnh, ngành nông nghiệp Sóc Trăng khuyến cáo người nuôi nên tăng cường các biện pháp như: Quan tâm chất lượng con giống, quản lý môi trường ao nuôi, thức ăn, dịch bệnh... Thường xuyên đo đạc các yếu tố môi trường, theo dõi màu nước ao nuôi trước và sau khi mưa; điều chỉnh các yếu tố môi trường sao cho ổn định và tối ưu cho tôm nuôi trong giai đoạn này.