Các vấn đề cần cải tiến ở máy cho ăn đời cũ
Tính linh hoạt trong việc cài đặt hẹn giờ cho ăn
Cung cấp tính linh hoạt cao trong việc cài đặt hẹn giờ cung cấp thức ăn, bao gồm cả thời gian và lượng thức ăn cụ thể cho từng lần phun.
Tính năng tự làm sạch máy
Có thể tích hợp các tính năng tự làm sạch, giúp loại bỏ cặn thức ăn còn lại trong máy, từ đó giảm nguy cơ tắc nghẽn và giữ cho máy hoạt động một cách trơn tru.
Kết nối internet và quản lý từ xa
Tính năng này cho phép người dùng quản lý và kiểm soát máy từ xa thông qua kết nối internet, từ đó giúp giám sát và điều chỉnh việc cung cấp thức ăn một cách hiệu quả.
Tương thích với thức ăn và đa dạng mô hình ao
Máy có thể được thiết kế để làm việc hiệu quả với nhiều loại kích cỡ thức ăn khác nhau, cùng với sự phù hợp về các dạng mô hình ao như đặt trên cầu nhá, trên mé bờ, phao nổi,...
Tính năng cảnh báo và báo cáo
Máy có thể cung cấp các thông báo cảnh báo khi gặp sự cố hoặc khi cần bảo trì, đồng thời cung cấp báo cáo về lịch sử hoạt động để giúp người dùng theo dõi hiệu suất và vận hành của máy cùng với số liệu cho ăn hàng ngày.
Quản lý lượng thức ăn thủ công bằng cách ghi chép và kiểm tra nhá đã không còn đạt độ chính xác cao. Ảnh: Aqua Mina
Tại sao thức ăn bị rơi ở chân máy?
Thông thường, các loại máy cho ăn đời cũ với cấu tạo chỉ có 1 động cơ, điều này làm cho hoạt động cho tôm ăn tự động sẽ gặp nhiều vấn đề gây hại. Loại máy này thường sẽ là không có thắng nên khi tắt máy thức ăn sẽ theo quán tính của lối ra thức ăn (lưỡi gà) thức ăn sẽ rơi tại ngay chân máy.
Bên cạnh đó, nếu thiết kế của chân máy không phù hợp, có thể tạo ra các khe hở hoặc bề mặt không phẳng, dễ làm cho thức ăn bám vào và rơi ra khỏi máy.
Tác hại xấu khi thức ăn bị rơi ở chân máy
Ô nhiễm nước: Thức ăn rơi ở chân máy có thể làm tăng lượng chất hữu cơ và chất thải trong môi trường nuôi, góp phần làm tăng mức độ ô nhiễm nước và ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm.
Tăng cường sự phát triển của vi khuẩn và vi sinh vật gây bệnh: Thức ăn bị rơi ở chân máy có thể trở thành nguồn dinh dưỡng cho vi khuẩn và vi sinh vật gây bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của chúng và làm tăng nguy cơ các bệnh tật trong ao nuôi.
Gây hỏng máy: Thức ăn tích tụ và tạo ra cặn tại chân máy có thể tạo thành chất ăn mòn vật liệu cấu tạo tại đây. Chân máy hư không đứng vững làm giảm hiệu suất hoạt động và tăng chi phí bảo dưỡng.
Lãng phí thức ăn: Thức ăn rơi ở chân máy không thể sử dụng lại được, gây ra lãng phí thức ăn và tăng chi phí vận hành.
Giải quyết nỗi lo thức ăn rơi ở chân máy hiệu quả
Để có thể giải quyết vấn đề này một cách triệt để, việc điều chỉnh lại cấu tạo máy cho ăn là điều tiên quyết.
Đầu tiên, có thể sản xuất máy với hai động cơ để giảm tỉ lệ thức ăn rơi tại chân máy. Hoạt động cơ bản cũng giống như máy một động cơ nhưng cụm động cơ thứ hai có nhiệm vụ cấp và điều chỉnh lượng thức ăn, bộ phận này sẽ cân chỉnh lượng thức ăn và thời gian cho ăn đã được cài đặt trước đó.
Người nuôi nên lựa chọn các dòng máy có tính năng mới giúp hạn chế thức ăn rơi tại chân máy. Ảnh: Tép Bạc
Đồng thời, máy có hai động cơ sẽ có hai lần thắng khi bắt đầu quá trình cho ăn hay kết thúc quá trình phun, thức ăn sẽ không rớt tại chân máy do dừng đột ngột.
Tiếp theo, bà con có thể lựa chọn thức ăn có kích thước và độ nặng phù hợp với máy và loại tôm đang nuôi, tránh việc sử dụng thức ăn quá nhỏ hoặc nhẹ có thể dễ dàng bị rơi ra.
Cuối cùng, việc giám sát thường xuyên và vệ sinh bảo dưỡng máy định kỳ là nhiệm vụ quan trọng. Thực hiện việc làm sạch và bảo dưỡng định kỳ cho máy, đảm bảo loại bỏ các cặn thức ăn tích tụ trong máy, giúp tránh tắc nghẽn và làm giảm nguy cơ thức ăn rơi ra.
Giám sát định kỳ về hoạt động của máy và môi trường nuôi để phát hiện sớm bất kỳ vấn đề nào có thể dẫn đến việc thức ăn rơi ra và thực hiện các biện pháp sửa chữa kịp thời.
Nhìn chung, các sản phẩm công nghệ giúp hỗ trợ người nuôi dễ dàng hơn trong việc sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí và gia tăng năng suất hiệu quả. Theo thời gian những sản phẩm này sẽ được cải tiến nhiều hơn để đáp ứng được đa dạng nhu cầu sử dụng của người dùng.