Ngày 2/6/2014, Bộ NN-PTNT đã có văn bản số 1171/BNN-TCTS về việc quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt.
Tuy nhiên đến nay, hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt không giảm mà có chiều hướng gia tăng. Một số cơ sở tự ý khoan giếng lấy nước ngầm, dùng muối để nâng độ mặn cho ao nuôi tôm. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, gây mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm và lâu dài sẽ ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa và cây trồng khác xung quanh.
Để đảm bảo phát triển nuôi tôm nước lợ hiệu quả, bền vững, hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực và không phá vỡ quy luật tự nhiên, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các cấp tại địa phương khẩn trương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ.
Một, chỉ đạo, hướng dẫn phát triển nuôi tôm nước lợ đúng theo Quyết định số 5852/QĐ-BNN-TCTS ngày 31/12/2015 của Bộ NN-PTNT phê duyệt quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các quy hoạch phát triển thủy sản địa phương.
Hai, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công văn số 1171/BNN-TCTS về việc quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt. Đối với những địa phương thả nuôi tôm chân trắng trong vùng nước ngọt, yêu cầu người nuôi sau khi thu hoạch không thả nuôi trở lại, không để phát sinh thêm diện tích nuôi mới.
Ba, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những vi phạm về nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt, nhất là các vi phạm về thực hiện quy hoạch, về bảo vệ môi trường, về sử dụng chất cấm, chất không có trong danh mục được phép dùng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.
Bốn, tiếp tục tuyên truyền để người dân nắm được những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài của việc nuôi tôm chân trắng trong vùng nước ngọt, ngăn chặn kịp thời những tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.