Độc đáo muối Bạc Liêu
Có thể nói, sản xuất muối là một trong những nghề truyền thống có hơn 100 năm ở vùng đất Bạc Liêu. Từ xưa, nghề sản xuất muối Bạc Liêu vốn nổi danh với cái tên “muối Ba Thắc” và giúp nhiều đại điền chủ giàu “nứt đố đổ vách” từ hạt muối như: Hội Đồng Trạch, điền chủ Huỳnh Quái…
Vì “nặng tình” với biển phù sa nên so với các tỉnh miền Trung thì hạt muối Bạc Liêu không trắng bằng, nhưng chính đặc điểm tự nhiên này đã tạo cho muối Bạc Liêu có hương vị rất riêng: mặn mà không chát đắng, có màu trắng hồng, hạt khô chắc và không tạp mùi. Xuất phát từ ưu điểm này, nhiều tỉnh, thành muốn có món ăn ngon đều phải nhập muối Bạc Liêu về chế biến, vì chỉ có muối Bạc Liêu mới tạo nên những đặc sản và tôn thêm mùi vị, hương sắc khi ướp với muối Bạc Liêu, như món ba khía Rạch Gốc - Cà Mau là một điển hình. Rồi cũng vì đặc điểm độc đáo này mà muối Bạc Liêu được xuất sang Campuchia để muối cá, làm nước mắm, làm khô; xuất sang Hàn Quốc để làm gia vị chế biến món kim chi; và cho đến nay, muối Bạc Liêu cũng là sản phẩm duy nhất được đưa vào thị trường Nhật... Điều này cho thấy, muối Bạc Liêu đã khẳng định được thương hiệu và có một vị trí nhất định trên thị trường trong, ngoài nước.
Để khai thác thế mạnh từ hạt muối và phát triển nghề truyền thống, Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu đã đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu chuyên sản xuất muối trắng theo phương pháp trải bạt trên diện tích khoảng 70ha ở xã Điền Hải (huyện Đông Hải) và ước tính sản lượng mang lại khoảng 7.000 tấn muối trắng/năm. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng mạnh dạn đầu tư hơn 13 tỷ đồng cho dây chuyền sản xuất muối tinh với công suất 20.000 tấn/năm. Và theo đó là các chương trình quảng bá để góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu vững chắc cho hạt muối Bạc Liêu.
Chung tình với muối
Vào những ngày đầu tháng Chạp, trên những cánh đồng muối của huyện Đông Hải và huyện Hòa Bình là hình ảnh diêm dân đang tất bật cho vụ muối mới. Gia đình diêm dân Nguyễn Văn Đạt (ngụ ấp Bờ Cảng, xã Điền Hải, huyện Đông Hải) đã ba đời gắn bó với hạt muối, vì đây là nghề “cha truyền con nối”. Dù nghề muối vất vả, có lúc thăng, lúc trầm nhưng ông Đạt chưa từng nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Không riêng ông Đạt mà nhiều diêm dân khác ở xứ sở này vẫn cứ chung tình với muối. Không yêu, không gắn bó với muối sao được, khi tình yêu giữa người và muối đã đi vào thơ ca, nảy nở thành tình yêu mãnh liệt: “Muối Long Điền mặn nghĩa thủy chung”, hay “Cá kèo kho muối Bạc Liêu/ Lấy chồng quê biển thêm yêu Gành Hào” (bài ca Biển mặn của soạn giả Ngô Hồng Khanh). Rồi nhiều xóm làng ở xã Long Điền cũng được gọi là xóm muối, hay ấp Diêm Điền với hàng trăm hộ dân đều sống bằng nghề làm muối.
Hành trình của chúng tôi lại tiếp tục băng qua những sân muối vừa được diêm dân lăn nhẵn bóng. Chợt nghe đâu đó vang lên câu: “Chừng nào chưa cạn biển Đông/ Bạc Liêu còn muối anh không sợ nghèo”, câu ca thoáng chút ngậm ngùi, nhưng niềm tin vào nghề muối lại tiếp tục được thắp sáng ước mơ để diêm dân thêm yêu thương hạt muối. Bởi có thời điểm giá muối rẻ như cho không, nhưng diêm dân chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Diêm dân Nguyễn Văn Phước đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề muối ở ấp Bờ Cảng (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) hướng ánh nhìn về ruộng muối lấp lánh những giọt nắng nhảy múa, bộc bạch: “Gia đình tôi canh tác hơn 1ha muối, cũng có khi trúng, khi thất. Đi qua bao nhọc nhằn gian lao, hạt muối dường như đã thấm đẫm tình đất, tình người. Vị mặn của mồ hôi đã hòa vào hạt muối nơi đây thì làm sao mà bỏ nghề cho được. Hơn nữa, đây còn là nghề mà cha tôi để lại. Tôi và mấy đứa con sẽ kế tục và phát triển nó”.
Nâng tầm thương hiệu muối Bạc Liêu
Đến nay, dù khoa học - công nghệ đã tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất nhưng phần đông diêm dân Bạc Liêu vẫn còn giữ phương pháp sản xuất truyền thống. Đó là sau khi cải tạo đồng muối bằng cách lăn cho sân phơi bóng láng mới tiến hành lấy nước biển vào. Thông qua hệ thống kênh thủy lợi thông ra biển, nước biển sẽ được đưa vào đồng muối. Khi nước được lắng tạp chất sẽ bơm vào các cánh đồng và chờ bay hơi tạo hạt theo phương pháp phơi kết tinh. Thời gian kết tinh tùy theo độ nắng nóng mà kéo dài từ 10 - 15 ngày và diêm dân sẽ tháo bỏ nước ót ra mương, hoặc tái sử dụng, sau đó mới tiến hành cào muối.
Trong những năm gần đây, một phương pháp sản xuất muối mới đã được áp dụng và khuyến khích nhân rộng là mô hình sản xuất muối trắng trên sân trải bạt. Đó là cách diêm dân dùng bạt nhựa để trải trên mặt sân phơi và sản phẩm tạo ra là muối trắng với năng suất cao. So với cách làm truyền thống sản xuất muối trên sân đất, phương pháp sản xuất mới này đã rút ngắn thời gian kết tinh xuống còn 7 - 9 ngày là thu hoạch muối. Tuy nhiên, phương pháp sản xuất muối dùng bạt nhựa chi phí đầu tư cao và cần sự tham gia hợp tác của các doanh nghiệp…
Để phát huy giá trị mang lại từ hạt muối và khuyến khích diêm dân gắn bó với nghề truyền thống, Bạc Liêu đã ban hành kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2018 - 2020, phát triển nghề muối theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất muối đạt 1.500ha (trong đó diện tích sản xuất muối trải bạt 100ha) và sản lượng đạt 50.000 tấn.
Đặc biệt, nghề sản xuất và chế biến muối đã và đang được Bạc Liêu xây dựng thành mô hình phục vụ phát triển du lịch. Ngoài phát triển công nghiệp chế biến muối ăn, muối xuất khẩu, tỉnh còn phát triển các sản phẩm từ muối phục vụ y tế, nhằm góp phần nâng cao giá trị của hạt muối.
Một mùa xuân mới lại về và sắc xuân như tràn ngập trên những cánh đồng lấp lánh ánh bạc. Nhìn những tu muối to đùng mới xây cho vụ mùa mới như hứa hẹn một vụ mùa bội thu và diêm dân chắc chắn sẽ làm giàu từ hạt muối.