Theo bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP, tính riêng trong tháng 6/2021, xuất khẩu sang các thị trường nhập khẩu chính đều tăng trưởng khả quan, trừ Nhật Bản giảm 0,8% và Israel giảm 9%. Các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất khẩu được sang 103 thị trường trên thế giới.
Tại thị trường Mỹ, sau khi triển khai tiêm vắc xin nhanh chóng cho người dân, nền kinh tế Mỹ đang phục hồi nhanh chóng. Các chuỗi dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn… được mở cửa trở lại đang làm tăng nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tại Mỹ, thúc đẩy nhập khẩu tăng theo. Tính đến hết tháng 6/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ đạt 153 triệu USD, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện, Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 2 cho thị trường Mỹ. Hiện tại, giá cước vận chuyển tăng mạnh, đã làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà cung cấp cá ngừ từ châu Á, trong đó có Việt Nam, cho thị trường Mỹ. Do đó, mặc dù xuất khẩu cá ngừ của Việt nam sang thị trường này vẫn tiếp tục tăng nhưng tốc độ tăng trưởng đang chậm lại.
Tương tự, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường EU tiếp tục khởi sắc. Tính riêng trong tháng 6/2021, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 13 triệu USD, tăng 49% so với cùng kỳ. Con số này đã nâng tổng giá trị xuất khẩu trong nửa đầu năm 2021 lên hơn 74 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ. Đáng chú ý trong tháng 6, xuất khẩu cá ngừ sang Tây Ban Nha tăng trưởng với tốc độ phi mã 971% so với cùng kỳ. Với tốc độ tăng trưởng này, Tây Ban Nha vượt lên trở thành thị trường nhập khẩu cá ngừ đơn lẻ lớn thứ 3 trong khối EU của Việt Nam .
Với thị trường khối CPTPP, tính đến hết tháng 6/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt 46 triệu USD, chiếm gần 13%, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 6/2021, giá trị xuất khẩu sang thị trường lớn nhất khối là Canada đã tăng gần 201%, đạt 3,6 triệu USD. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đang ngày càng tăng tốc.
Một thị trường nổi bật khác trong khối thị trường CPTPP trong 6 tháng đầu năm nay là Mexico có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng trong tháng 6 với 157%, đạt 1,3 triệu USD. Sau khi sụt giảm liên tục trong quý 1/2021, xuất khẩu cá ngừ sang Mexico đã tăng trưởng liên tục. Tính đến hết tháng 6, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Mexico đặt hơn 6 triệu USD, tănng 53% so với cùng kỳ.
Theo bà Nguyễn Hà, ngoài các thị trường chính, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang một số thị trường nhỏ đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ, như: Nga tăng 70%, Ukraina tăng 100%, Li Băng tăng 35%, Hàn Quốc tăng 87%, Argentina tăng 79%.
Cũng như các doanh nghiệp thủy sản khác, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, như: chi phí sản xuất tăng, giá thuê container tăng, giá cước vận chuyển tăng liên tục…Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ và sự nhạy bén về thị trường, nên xuất khẩu cá ngừ của cả nước trong nửa đầu năm 2021 vẫn tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, đạt 355 triệu USD.
Có thể thấy, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường vẫn tiếp tục vượt khó để tăng trưởng. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường lại đang chậm lại.
Theo phản ánh từ các doanh nghiệp XK cá ngừ, chi phí vận chuyển tăng đang khiến cho rất nhiều đơn hàng bị dồn ứ lại không xuất khẩu được. Bên cạnh đó, mới đây, khi dịch Covid-19 bùng phát tại TPHCM và lan ra nhiều địa phương, sản xuất của các doanh nghiệp cá ngừ bị ảnh hưởng. Do vậy, mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp thời điểm này chính là sớm được ưu tiên tiếp cận nguồn vắc xin bởi đặc thù ngành thủy sản làm việc chủ yếu trong môi trường lạnh thì mối nguy lây nhiễm càng lớn.