Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 7, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 186 triệu USD, thấp hơn 13% so với tháng 6 và thấp hơn 40% so với tháng 4 - tháng đỉnh điểm năm nay.
Sau khi đạt 310 triệu USD vào tháng đầu của quý II, thời điểm diễn ra các hội chợ Thuỷ sản quốc tế tại Mỹ và châu Âu, xuất khẩu cá tra bắt đầu hạ nhiệt dần trong các tháng tiếp theo. Xu hướng đó thể hiện rõ nét ở hai thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam, chiếm 29,6% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Tháng 4, xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường này đạt đỉnh 116,6 triệu USD, nhưng tới tháng 7 ở mức 48 triệu USD, giảm 58,8%. Tuy nhiên, nhờ quý I xuất khẩu tăng trưởng tốt nên luỹ kế 7 tháng giá trị xuất khẩu vẫn đạt 476 triệu USD, gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Theo VASEP, cá tra Việt Nam vẫn còn chiếm tỷ trọng khiêm tốn so với nhu cầu nhập khẩu cá đông lạnh của Trung Quốc ở mức 14-15% tổng giá trị nhập khẩu. Mới đây, quốc gia này đã nới lỏng các biện pháp kiểm tra Covid hàng thực phẩm đông lạnh nên đã giải toả được áp lực tâm lý cho các nhà xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, đồng thời giảm được chi phí, thời gian chờ thông quan của các lô hàng.
Nguồn: VASEP.
Cùng xu hướng với Trung Quốc, trong 3 tháng qua giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ (thị trường xuất khẩu lớn thứ hai), cũng đi xuống từ 81 triệu USD tháng 4 còn 31 triệu USD vào tháng 7. Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sang Mỹ vẫn cao hơn 92% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 24% tổng xuất khẩu cá tra, đạt 388 triệu USD.
Theo thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), tới tháng 5-6, giá cá tra nhập khẩu trung bình của Mỹ dao động 5,18 – 5,24 USD/kg, tăng 2 USD/kg so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,2 USD/kg so với đầu năm nay.
VASEP nhận định rằng lạm phát cao kỷ lục ở Mỹ tạo cơ hội cho cá tra đông lạnh Việt Nam. Tuy nhiên, từ nay tới cuối năm, tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này sang đây sẽ giảm dần do kho hàng của nhà nhập khẩu vẫn đủ.