Theo thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 3 tháng đầu năm 2017, tổng giá trị XK cá tra đạt 371,3 triệu USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu thị trường XK có sự chuyển dịch rõ nét, XK sang Trung Quốc tiếp tục tăng 56,8%.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm nay, giá trị XK cá tra sang Trung Quốc đạt 69,7 triệu USD, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, từ tháng 2/2017, Trung Quốc trở thành thị trường XK cá tra lớn nhất của DN XK cá tra Việt Nam.
Hiện nay, có gần 40 doanh nghiệp Việt Nam đang XK cá tra sang thị trường Trung Quốc thông qua cửa khẩu cảng Cát Lái, cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Móng Cái- Quảng Ninh); cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn); cửa khẩu Nà Lạn và Tà Lùng (Cao Bằng). Có thể nói, đầu năm nay, Trung Quốc tiếp tục là điểm đến và thị trường chuyển hướng tích cực của các DN XK cá tra Việt Nam.
Trong 10 năm trở lại đây, nhu cầu NK thủy sản của Trung Quốc tăng mạnh, trong đó, tôm và cá tra là hai sản phẩm có giá trị NK từ Việt Nam cao nhất. Tuy nhiên, những năm gần đây, sức tăng trưởng NK cá tra tại thị trường trường này tăng rất nhanh, cá tra đã dần trở thành món ăn ưa thích bên cạnh các mặt hàng hải sản, cá thịt trắng hay cạnh tranh cả với sản phẩm thế mạnh cá rô phi Trung Quốc. Chỉ tính riêng trong 2 năm (2015 – 2016), giá trị XK cá tra sang thị trường Trung Quốc XK tăng gần 2 lần
Tuy nhiên, VASEP cũng lưu ý các DN nên cần thận trọng hơn khi giao dịch tiểu ngạch với thị trường này. Bởi vì, theo phản ánh của một số DN XK cá tra, XK cá tra sang thị trường Trung Quốc rất tiềm năng và nhiều cơ hội. Có thời điểm, giá XK cá tra tại Trung Quốc còn cao hơn so với thị trường EU. Phản ứng về việc tăng giá của khách hàng Trung Quốc tốt và họ sẵn sàng chấp nhận vì thực chất DN nước này có thể lời gấp hàng chục lần so với giá mua tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng, bán cá tra cho một số DN Trung Quốc đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro, trong đó có rủi ro trong thanh toán. Thông thường, nhiều DN Trung Quốc đề nghị chỉ đặt cọc khoảng 30% tổng số tiền lô hàng cá tra, cộng với giá vận chuyển trung bình một lô hàng cá tra tới cửa khẩu khoảng 45 - 47 triệu đồng, nếu container tới cửa khẩu và phía bạn nhận hàng thì DN được, còn nếu không thì coi như mất trắng.
Hiện nay, phần lớn sản phẩm cá tra XK sang thị trường Trung Quốc ở 2 dạng chính: cá tra xẻ bướm và philê. Một số DN cho rằng, với sản phẩm cá tra xẻ bướm, nếu khách hàng Trung Quốc mua thì vui vì giá tốt, lượng hàng lớn nhưng nếu không mua thì khó có thể xuất sang thị trường nào.
Tiền thanh toán các đơn hàng cá tra xuất sang Trung Quốc khá đa dạng, khách hàng có thể trả bằng USD, Nhân dân tệ hoặc thậm chí là cả Việt Nam đồng. Tuy nhiên, phần lớn khách hàng yêu cầu trả bằng Nhân dân tệ hoặc Việt Nam đồng. Tất nhiên, phần lớn DN XK Việt Nam mong muốn khách hàng trả bằng USD nhưng nhiều DN Trung Quốc chỉ trả bằng tiền đồng giống như việc tiêu thụ nội địa.
Hiện nay, một số DN nước ngoài đang thuê nhà máy hoặc gia công sản phẩm cá tra Việt Nam rồi vận chuyển bằng đường bộ sang tiêu thụ tại Trung Quốc qua đường tiểu ngạch không qua kiểm soát. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng hàng thủy sản XK đồng thời thiếu công bằng cho các DN XK.
Ba tháng đầu năm nay, giá trị XK của 5 doanh nghiệp cá tra lớn nhất Việt Nam là Vinh Hoan Corp, Bien Dong Seafood, Navico, Hung Vuong Corp và IDI Corp đạt 140,4 triệu USD, chiếm 37,8% tổng XK cá tra của cả nước tương đương với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu thị trường XK của những DN lớn này cũng có sự chuyển dịch khá rõ sang thị trường Châu Á, trong đó có Trung Quốc và Mỹ Latinh. Như vậy, nếu giải quyết được bài toán về thiếu hụt con giống và nguồn nguyên liệu đang thiếu hụt ở ĐBSCL những tháng đầu năm dự báo XK cá tra sẽ tiếp tục tăng trên 5% so với năm 2016.