Trong 6 tháng đầu 2018, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 3,97 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 6, con số này đạt 764 triệu USD. Mỹ vượt qua Nhật Bản dẫn đầu về thị trường tiêu thụ thủy sản các loại của Việt Nam, chiếm 16% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, đạt 632,78 triệu USD.
Đứng sau Mỹ là một số thị trường lớn đạt kim ngạch trên 100 triệu USD như: Nhật Bản đạt 615,07 triệu USD, tăng 4,7%; Trung Quốc đạt 482,11 triệu USD, tăng 12,1%; Hàn Quốc đạt 390,7 triệu USD, tăng 19,4%; Hà Lan đạt 157,75 triệu USD, tăng 56%... Trong số các nước xuất khẩu thủy sản, 80% thị trường tăng trưởng về kim ngạch so với cùng kỳ 2017, chỉ 20% thị trường sụt giảm.
Thị phần các thị trường xuất khẩu của thủy sản Việt Nam
Nguồn: Tổng cục Hải Quan.
Theo hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), các sản phẩm tôm, cá tra, cá ngừ… đều tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 1,6 tỷ USD, tăng gần 8%; cá tra đạt gần 1 tỷ USD, tăng 21%; cá ngừ tăng 25%; mực, bạch tuộc tăng lần lượt 12%, 13%.
Những chuyển biến tích cực của thị trường xuất khẩu thủy sản đã giúp nhiều doanh nghiệp nâng cao doanh thu và lợi nhuận trong nửa đầu năm 2018.
Thống kê 16 doanh nghiệp thủy sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, có 12 đơn vị đã công bố kết quả kinh doanh kỳ vừa qua. Trong đó, 10 công ty có niên độ tài chính (NDTC) từ 01/01-31/12 và 2 doanh nghiệp có niên độ 01/10-30/09 là FMC và HVG.
10 doanh nghiệp NDTC 1/1-31/12 có tổng doanh thu 6.437,6 tỷ đồng, tăng 53% so với nửa đầu 2017. Lợi nhuận ròng đạt 1.164,5 tỷ đồng, gấp 8 lần năm trước.
Với 2 doanh nghiệp khác niên độ tài chính, FMC ghi nhận tăng trưởng lãi ròng, trong khi HVG tiếp tục báo lỗ.
KQKD của các doanh nghiệp thủy sản (Đvt: tỷ đồng)
Dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận là Tập đoàn Sao Mai (HOSE: ASM). Doanh nghiệp này báo doanh thu thuần tăng 176% so với cùng kỳ năm trước. Tính thêm khoản doanh thu tài chính đột biến hơn 527 tỷ đồng nhờ đánh giá lại khoản đầu tư công ty IDI, ASM ghi nhận lãi ròng tăng 15,4 lần, đạt hơn 857 tỷ đồng.
Tương tự ASM, CTCP Nam Việt (HOSE: ANV) cũng báo doanh thu tăng 23% đạt 1.683 tỷ đồng, kết hợp với khoản doanh thu tài chính từ lãi vay, đơn vị này lãi ròng 189 tỷ đồng, tăng 260% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu long An Giang (HOSE: ACL) ghi nhận doanh thu thuần tăng 20%, đạt 720,6 tỷ đồng. Đồng thời, nhờ cắt giảm chi phí bán hàng và chi phí tài chính, lợi nhuận ròng ACL tăng 2 lần đạt 384 tỷ đồng.
Một đơn vị khác cũng ghi nhận hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng trưởng là CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (HOSE: ABT). Doanh nghiệp này báo doanh thu tăng 7,7% đạt 195,8 tỷ đồng và lãi ròng tăng 232% lên 38,3 tỷ đồng. Riêng quý II, lãi ròng của ABT tăng hơn 5 lần đạt 29,3 tỷ đồng, nhờ sản lượng tiêu thu tăng 9% và công ty sản xuất hàng giá trị gia tăng nên giá bán tăng 19,5%.
ABT là đơn vị thuộc Tập đoàn PAN (HOSE: PAN), hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản với các sản phẩm chính là các sản phẩm chế biến từ cá tra và ngao. Năm 2018, công ty lên kế hoạch sản xuất tiêu thụ 8.000 tấn thành phẩm thủy sản. Mục tiêu doanh thu đạt 400 tỷ đồng và lãi trước thuế 48 tỷ đồng, tăng trưởng 4% và 45%.
Một doanh nghiệp thủy sản khác thuộc Tập đoàn PAN là CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC), cũng ghi nhận kết quả khởi sắc. Lũy kế 9 tháng, công ty ghi nhận doanh thu tăng 28%, đạt 2.834 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng đạt 81,8 tỷ đồng, cao hơn 29% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng (1/10/2017-30/6/2018), FMC cho biết đã chế biến được 12.161 tấn tôm đông lạnh, tăng 20%. Sản lượng tiêu thụ hàng thủy sản đạt 10.482 tấn, tăng 21%. Tổng doanh thu tiêu thụ đạt 123 triệu USD, cao hơn cùng kỳ 25%.
Tới cuối tháng 6, tổng tài sản của FMC đạt 1.579 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 571 tỷ đồng, vốn cổ phần tăng từ 390 tỷ lên 402 tỷ do phát hành 1,2 triệu cp ESOP.
Trái ngược với những doanh nghiệp tăng trưởng, vẫn có số ít những cái tên chưa thoái khỏi thua lỗ, nổi bật nhất là CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG). Trong niên độ 9 tháng, Hùng Vượng báo doanh thu 6.444 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ. Công ty tiếp tục lỗ ròng 347 tỷ đồng, dù trong quý gần nhất có lãi sau thuế công ty mẹ gần 30 tỷ đồng.
Bên cạnh Hùng Vương, một số đơn vị khác cũng báo lỗ như CTCP Chế biến Thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền (HNX: NGC) và CTCP Đầu tư Thương mại Thủy sản (HOSE: ICF).