Bởi lẽ chất Ethoxyquin vốn được sử dụng rộng rãi trong bảo quản bột cá - thành phần chính của thức ăn tôm cá. Hoạt chất này được cả thế giới biết đến và nghiên cứu nửa thế kỷ nay. Các nghiên cứu đều cho rằng độc lực của chất này còn thua xa cà phê mà số đông vẫn dùng hàng ngày. Tuy vậy, việc khống chế hàm lượng là điều cần thiết và thế giới đã phổ biến tiêu chuẩn về hàm lượng tồn dư. Thậm chí Monsanto, một trong những nhà sản xuất chính của Ethoxyquin, khẳng định: "Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Ethoxyquin dọn sạch các sản phẩm có hại của quá trình ôxy hóa dẫn đến duy trì tính toàn vẹn của tế bào, làm giảm nguy cơ ung thư". Thêm nữa không phải đơn giản mà Ethoxyquin được FDA (America Food and Drug Administration) cho phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi hơn 3 thập kỷ qua.
Phớt lờ mọi bằng chứng khoa học, ngày 18-5-2012, Nhật Bản áp dụng chế độ kiểm tra ETQ đối với 30% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam với mức dư lượng 0,01ppm, Và đến cuối tháng 8/2012, Nhật Bản chính thức áp dụng kiểm tra ETQ 100% tôm Việt Nam đã khiến xuất khẩu tôm sang thị trường này 6 tháng cuối năm luôn giảm 2 con số. Tính chung cả năm 2012, xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản chỉ tăng 1,7% so với năm 2011.
Trước nguy cơ mất thị trường tiềm năng này, cả các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực trong việc cải thiện tình hình dư lượng Ethoxyquin (ETQ) với một loạt biện pháp nhằm giảm thiểu dư lượng chất này trong tôm xuất khẩu. Các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu sang Nhật Bản tăng cường tối đa kiểm tra dư lượng ETQ trong tôm, từ khâu nguyên liệu đến chế biến và xuất khẩu. Đại diện một DN cho biết tôm trước khi xuất khẩu sang Nhật Bản phải qua 5 lần kiểm tra ETQ.
Theo thống kê từ hệ thống cảnh báo thực phẩm nhập khẩu vào Nhật Bản, số lô tôm Việt Nam nhiễm ETQ giảm mạnh từ 17 lô năm 2012 xuống còn 4 lô (tính đến 25/11/2013). Đặc biệt, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 10/2013, mặt hàng tôm đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục với 404 triệu USD, tăng gần 74% dẫn đến thành tích xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong tháng 10/2013 đạt mức kỷ lục 776 triệu USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản bắt đầu được cải thiện kể từ tháng 1/2013. 10 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt hơn 574,5 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2012.
Nỗ lực từ phía cơ quan quản lý nhà nước cũng như từ cộng đồng DN chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam trong kiểm soát dư lượng ETQ trong tôm xuất khẩu đã tạo chuyển biến tích cực từ phía Nhật Bản. Theo thông tin từ các nhà nhập khẩu Nhật Bản, nước này đang xem xét nâng mức dư lượng ETQ thêm 20 lần so với mức hiện nay, từ 0,01ppm lên 0,2 ppm. Dự kiến, mức dư lượng ETQ áp cho tôm nhập khẩu từ Việt Nam sẽ được công bố chính thức vào cuối tháng 1/2014.
Dẫu sao thì việc trước mắt đối với cộng đồng DN chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam không chỉ là vui mừng. Bởi lẽ, nếu “buông” việc kiểm soát dư lượng ETQ trong tôm, chỉ cần một số lô tôm “có vấn đề” thì việc thị trường Nhật Bản vốn khó tính, phản ứng lại là điều dễ hiểu. “Bóng ma” dư lượng ETQ sẽ tiếp tục “ám ảnh” con tôm xuất khẩu Việt Nam. Thêm nữa, đây cũng là bài học cho ngành tôm Việt Nam nói riêng và ngành Nông nghiệp nói chung.
Tham gia một thị trường lớn mang tính toàn cầu, chúng ta có thể bị câu thúc bởi những quy định khá vô lý và ngoài tầm kiểm soát như áp thuế chống bán phá giá, thuế trợ cấp, kiểm tra chất cấm… Chọn cách ứng biến phù hợp với những biện pháp ngoại giao “mềm”, vận động hành lang nhưng cốt yếu vẫn là nâng cao chính chất lượng hàng hóa xuất khẩu, để hàng nông sản “Made in Việt Nam” không bị “thẻ đỏ” khi tham gia vào các thị trường nước ngoài - mỗi nơi có một quy định riêng, nhiều khi “không giống ai”