Trong 2 tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt hơn 915,6 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu tích cực đối với xuất khẩu thủy sản năm 2016 (cùng kỳ năm 2015 giá trị xuất khẩu thủy sản giảm gần 18%). Mức tăng trưởng này chủ yếu do kết quả xuất khẩu của hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm nước lợ và cá tra đều có mức tăng trưởng khá từ đầu năm.
Giá trị xuất khẩu thủy sản nửa đầu tháng 3/2016 tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm 2015, tăng tới 15,89%, đạt 240,5 triệu USD (cùng kỳ năm 2015 đạt hơn 207 triệu USD), đưa tổng giá trị xuất khẩu thủy sản từ đầu năm đến 15/3/2016 đạt gần 1,16 tỷ USD, tăng 9,43% so với cùng kỳ năm 2015. Ước kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 03/2016 đạt khoảng 550 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2016 ước đạt 1,47 tỷ USD, tăng khoảng 7,4% so với cùng kỳ năm 2015.
Xuất khẩu tôm
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, giá tôm trong quý 1/2016 có dấu hiệu khả quan khi liên tục giữ ở mức ổn định và tăng nhẹ tùy theo cỡ tôm. Trong tháng 3/2016, giá tôm đang cao hơn so với các tháng đầu năm, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá từ 95.000 - 115.000đ/kg, tôm sú loại 30 con/kg có giá từ 240.000 – 280.000đ/kg.
Giá tôm khởi sắc, người nuôi phấn khởi. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết năm nay nắng nóng khốc liệt, nguồn nước phục vụ nuôi tôm không thuận lợi, xâm nhập mặn kéo dài là một khó khăn. Dự báo trong thời gian tới, giá tôm có thể tiếp tục tăng, nhưng người nuôi tôm cần hết sức chủ động trong vụ tôm năm nay do thời tiết diễn biến phức tạp.
Tính riêng tháng 2/2016, giá trị xuất khẩu mặt hàng tôm tăng 6,1% so với cùng kỳ 2015, đạt 151,04 triệu USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng giảm nhẹ 0,6% và giá trị xuất khẩu tôm sú lại tăng mạnh tới 33,2% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung hai tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu tôm đạt 378,4 triệu USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Xuất khẩu cá tra
Giá thành cá tra nguyên liệu trong tháng 3 mặc dù có tăng nhẹ so với 2 tháng đầu năm, nhưng vẫn ở mức thấp so với năm ngoái. Tuy người nuôi cá tra vẫn chưa có lãi nhiều, nhưng ngành hàng cá tra đã bước đầu hình thành các chuỗi liên kết để tăng hiệu quả sản xuất và giảm chi phí. Vì vậy, trong quý I/2016, ngành cá tra hiện vẫn duy trì được sản xuất tương đương cùng kì năm 2015. Giá trị xuất khẩu cá tra đã có mức tăng trưởng tích cực. Giá trị xuất khẩu cá tra hai tháng đầu năm 2016 đạt gần 237,4 triệu USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo báo cáo của một số địa phương, với mức giá thị trường hiện nay, người nuôi cá tra hiện vẫn chưa có lãi hoặc đang bị lỗ, mặc dù giá cá tra nguyên liệu trong tháng 3 có khởi sắc hơn so với 2 tháng đầu năm 2016. Giá cá tra tại nhiều địa phương đã tăng mức trung bình từ 500 - 2.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá cá tra tăng có thể là do thiếu hụt nguồn cung với sản lượng thu hoạch trong thời gian qua có sự sụt giảm vì giá cá tra trong thời gian dài ở mức thấp.
Dự báo, thời gian tới, sản lượng cá tra có thiếu hụt hoặc dư thừa đều phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, về cơ bản, sản xuất cá tra sẽ vẫn có xu hướng duy trì diện tích và sản lượng ở mức bằng hoặc giảm nhẹ hơn so với cùng kì năm 2015 do đầu ra của mặt hàng này còn chưa ổn định. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra quy mô lớn đã xây dựng được vùng nguyên liệu, chiếm 70% sản lượng. Do đó, việc thiếu nguyên liệu trầm trọng sẽ khó xảy ra. Vấn đề hiện nay là tập trung cải thiện con giống để nâng cao chất lượng cá, giảm giá thành nuôi, đẩy mạnh tiếp thị, quảng bá, quan hệ đối tác quốc tế… để mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng giá bán. Riêng việc hạn hán và xâm mặn sẽ gây ra khó khăn về nguồn nước sạch nuôi cá, nên các doanh nghiệp, trang trại, hộ nuôi đang chủ động về nguồn nước.
Xuất khẩu cá ngừ đại dương
Trong quý 1/2016, giá cá ngừ đại dương không ổn định, có thời điểm giảm 5.000 - 10.000 đồng/kg. Trong tháng 1/2016, ngư dân khai thác cá ngừ đại dương đạt sản lượng khá, giá bán ổn định và tăng cao hơn so với cùng kỳ, giá cá ngừ câu tay dao động trong khoảng 95.000 - 110.000 đồng/kg. Sang tháng 2/2016, đặc biệt sau Tết Nguyên Đán, giá bán giảm từ 5.000-10.000 đồng/kg so với tháng 1, dao động trong khoảng 88.000 đồng - 95.000 đồng/kg. Tháng 3/2016, giá bán lại tăng nhẹ so với tháng 2 và ổn định so với cùng kỳ, dao động từ 90.000 - 100.000 đồng/kg. Bên cạnh việc sản lượng khai thác tăng, cùng với việc giá dầu giảm sâu trong thời gian qua đã tác động tích cực tới hoạt động khai thác cá ngừ, giúp cải thiện và ổn định đời sống của ngư dân.
Xuất khẩu cá ngừ tính từ đầu năm đến hết tháng 2/2016 vẫn chưa ổn định, mặc dù mức giảm đã chậm lại, ở mức 4%, đạt giá trị hơn 60,7 triệu USD. Sau 3 năm liên tục sụt giảm, xuất khẩu cá ngừ 2 tháng đầu năm 2016 bắt đầu có tín hiệu tích cực khi mà nhu cầu trên thị trường thế giới tăng nhẹ.
Xuất khẩu nhuyễn thể
Xuất khẩu nhuyễn thể vẫn giảm, ở mức 4,8%, đạt giá trị 65,23 triệu USD, do xuất khẩu mực và bạch tuộc từ đầu năm đến hết tháng 2/2016 vẫn tăng trưởng âm ở mức 6,9%, đạt giá trị 54,08 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu cá các loại cũng bắt đầu tăng nhanh trong 2 tháng đầu năm 2016. Tính chung hai tháng năm 2016, giá trị xuất khẩu cá các loại đạt gần 155,6 triệu USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ 2015.