Tăng tốc về đích
Năm 2013, xuất khẩu thuỷ sản được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng chung của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Thực tế, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản trong quý I, II năm 2013 gần như giậm chân tại chỗ.
Bước sang quý III, tín hiệu vui đến với xuất khẩu thuỷ sản khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ công nhận 33 doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam không bán phá giá tôm khi xuất sang thị trường này.
Ngay lập tức thị trường xuất khẩu được khơi thông, tình hình sản xuất chế biến xuất khẩu thuỷ sản chuyển biến theo hướng tích cực. Mặt khác, các nước xuất khẩu tôm như: Thái Lan, Ecuador, Trung Quốc bị dịch bệnh, tôm chết liên tục.
Từ đó, thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam liên tục được mở rộng, cộng với nguồn tôm nuôi ở tỉnh đang phục hồi nhờ khống chế được dịch bệnh. Dự báo kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản năm 2013 đạt 1 tỷ 040 triệu USD theo kế hoạch là hoàn toàn có khả năng thực hiện được.
Thị trường xuất khẩu tăng mạnh, giá tôm nguyên liệu tăng cao, người nuôi tôm phấn khởi tập trung đầu tư, cải tạo ao đầm thả tôm nuôi với niềm tin lạc quan.
Ông Nguyễn Văn Hiền, ấp Láng Cùng, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, cho biết: “Ngay sau khi thu hoạch dứt điểm vụ tôm trước, tôi gấp rút cải tạo ao đầm chuẩn bị thả tôm nuôi cho kịp vụ thu hoạch trong Tết Nguyên đán. Mong rằng giá tôm nguyên liệu được duy trì như hiện nay”.
Giải bài toán thiếu nguyên liệu
Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi trồng thuỷ sản và kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nước. Những năm trước đây, các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu chưa thật sự quan tâm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mà chỉ quan tâm đến xây mới nhà máy chế biến.
Chính sự phát triển “nóng” và tự phát, giữa doanh nghiệp và người nuôi tôm chưa phối hợp chặt chẽ nên các doanh nghiệp thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu tôm nguyên liệu. Theo đó, hiện nhiều nhà máy hoạt động khoảng 50% công suất thiết kế. Thực trạng này diễn ra từ nhiều năm nay.
Theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT, đến năm 2015, ĐBSCL không đầu tư xây dựng mới nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu mà chỉ tập trung đầu tư nâng cấp nhà xưởng, đổi mới dây chuyền thiết bị hiện đại với nhà máy hiện có nhưng lạc hậu.
Song, quy hoạch này chưa triển khai thực hiện đồng bộ, một số địa phương nhà máy tiếp tục được xây dựng mới khiến tình trạng thiếu tôm nguyện liệu ngày càng trầm trọng. Khi nhà máy phát triển thừa, lẽ ra Nhà nước cần có chính sách để điều chỉnh, trong khi cơ quan chức năng thì chưa đưa ra khuyến cáo, còn nhà đầu tư thì thiếu thông tin.
Hậu quả là hầu hết nhà máy mới xây đang nằm trong danh sách có nguy cơ phá sản. Cung - cầu mất cân đối nghiêm trọng dẫn đến tranh mua, tranh bán gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp và cả người nuôi tôm.
Từ thực trạng trên, ngoài nguồn nguyên liệu cho chế biến thuỷ sản xuất khẩu được cung cấp chủ yếu từ nuôi trồng và khai thác thì thời gian gần đây, các doanh nghiệp “chữa cháy” cho các hợp đồng xuất khẩu đã được ký kết bằng cách nhập nguyên liệu từ các nước lân cận với giá cao.
Bài toán thiếu tôm nguyên liệu chưa tìm ra đáp án. Thương lái Trung Quốc lại xuất hiện cạnh tranh thu mua tôm nguyên liệu các tỉnh lân cận khiến nhiều nhà máy thiếu nguyên liệu.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Tươi cho rằng, Cà Mau là tỉnh có vùng nguyên liệu thuỷ sản lớn nhất nước, không loại trừ khả năng thương lái Trung Quốc đã cấu kết thu gom trong dân.
Người nuôi tôm thận trọng với các thương lái khi mời chào với giá cao, không yêu cầu kiểm soát chất lượng và kích cỡ, thậm chí còn thực hiện bơm chích tạp chất có mục đích vào tôm thu hoạch, gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng tới uy tín sản phẩm tôm Việt Nam.
Để giải quyết các vấn đề tồn tại của thị trường tôm nguyên liệu, thiết nghĩ các cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng đưa ra biện pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng tranh mua thiếu lành mạnh, làm rối loạn thị trường, có chính sách hỗ trợ bảo vệ quyền lợi cho những doanh nghiệp đầu tư cho vùng nguyên liệu. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có giải pháp nhằm giúp bình ổn cả về giá và nguồn tôm nguyên liệu, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp./.