Xuất khẩu năm 2023 với 5 thị trường chính
Tại cuộc họp về ngành tôm ở tỉnh Bạc Liêu hôm 23/2/2024, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 theo Cục Thủy sản là 3,45 tỷ USD; còn theo VASEP là 3,39 tỷ USD, giảm 21,5% so với năm 2022. Số liệu của VASEP, kim ngạch xuất khẩu tôm thẻ chân trắng hơn 1,5 tỷ USD, giảm 20,5 %; tôm sú hơn 460 triệu USD, giảm 19,8%; tôm khác 414 triệu USD, giảm 28,3%.
Cũng theo VASEP, năm 2023 xuất khẩu tôm sang 100 thị trường, giảm so với 102 thị trường năm 2022. Trong đó, tôm tươi đông lạnh (HS03) chiếm 62%; tôm GTGT (HS16) chiếm 38%, giảm so với năm 2022. Xuất khẩu vào các thị trường chính đều giảm từ đầu năm 2023, bình quân giảm 5 – 45%, nhưng từ tháng 9 có dấu hiệu phục hồi. Bên cạnh, một số thị trường có tăng trưởng là Australia, Canada, Bỉ, Đài Loan, tăng từ 1 – 54%. Xuất khẩu tôm vào 5 thị trường chính như sau:
1/Mỹ là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm 20% tổng kim ngạch; giảm mạnh đầu năm và từ tháng 7 thì tăng trưởng liên tục 2 con số đưa đến kết quả phục hồi tích cực. Sản phẩm, gần 60% tôm chế biến, hơn 40% tôm đông lạnh, đặc biệt tôm sú đông lạnh tăng 10%. Về loại tôm, 86,2% tôm thẻ chân trắng, 9,4% tôm sú, còn lại tôm khác. Việt Nam là nguồn cung tôm thứ 4, sau Ecuador, Ấn Độ và Indonesia.
2/Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 của tôm Việt Nam, chiếm 18% tổng kim ngạch. Thị trường này có nhu cầu lớn nhưng phải cạnh tranh với nhiều nước. Sản phẩm, có 97% tôm đông lạnh. Trung Quốc ưa chuộng tôm sú nên tôm sú chiếm gần 25%, đặc biệt tôm sú sống. Giá mua tương đối thấp so với các thị trường khác.
3/Nhật Bản là thị trường lớn thứ 3 của tôm Việt Nam, chiếm 15% tổng kim ngạch, và tôm Việt Nam đang chiếm thị phần lớn nhất. Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu chiếm đến 44%, chỉ sau Mỹ. Về loại tôm, có 65% tôm thẻ chân trắng, 18% tôm sú, còn lại tôm khác. Giá mua bình quân tương đối cao và ổn định.
4/EU là thị trường lớn thứ 4 của tôm Việt Nam, chiếm hơn 12% tổng kim ngạch. Năm 2023 tăng nhu cầu đối với tôm giá rẻ, kích thước nhỏ. Sản phẩm, có 42% tôm chế biến sâu, 58% tôm đông lạnh các loại. Về loại tôm, 80% tôm thẻ chân trắng, 13% tôm sú, còn lại tôm khác. Giá trị xuất khẩu các loại tôm đều giảm 2 con số, từ đầu tháng 9 có dấu hiệu tăng nhẹ.
5/Hàn Quốc đứng thứ 5, chiếm 10% tổng kim ngạch. Thị trường này bị ảnh hưởng lạm phát, tiền mất giá, tồn kho nhiều nên nhu cầu giảm, thanh toán chậm. Vướng qui định về “hạn ngạch”. Sản phẩm tôm chế biến sâu chiếm 39%, còn lại đông lạnh. Tỷ lệ tôm sú thấp, chỉ có 3,5%, tôm thẻ chân trắng chiếm 85%, còn lại tôm khác. Cũng như ở Nhật Bản, tôm Việt Nam đang chiếm thị phần lớn nhất, hơn 46%.
Thách thức và cơ hội
Theo VASEP, năm 2023 đi qua để lại nhiều thách thức. Đó là, nguồn nguyên liệu tiếp tục thiếu sự ổn định từ chất lượng đến giá thành nên chế biến và xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng. Xu hướng thị trường thay đổi, ưa chuộng sản phẩm tiện dụng, phù hợp điều kiện kinh tế, sản phẩm tốt cho sức khỏe, đáp ứng các chứng nhận quốc tế về bền vững. Tôm nuôi ở nước ta vẫn hiệu quả thấp, giá cao nên khó cạnh tranh. Các nước sẽ dần tập trung phát triển sản phẩm giá trị gia tăng vốn đang là lợi thế của Việt Nam.
Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội phát triển. Thấy rõ là đã khẳng định được vị thế: Xuất khẩu trong 4 quốc gia đứng đầu thế giới cùng với Ecuador, Ấn độ và Indonesia. Tôm Việt Nam chiếm vị trí nhất định tại các thị trường chính như đã phân tích là thứ 1 tại Nhật Bản, Hàn Quốc; thứ 2 tại EU; thứ 3 tại Trung Quốc; thứ 4 tại Mỹ.
Hiện nay, Việt Nam được đánh giá có công nghệ chế biến tôm hiện đại nhất thế giới với hơn 350 cơ sở chế biến tôm đủ điều kiện về ATTP và được phép xuất khẩu. Trong đó, 5 doanh nghiệp hàng đầu chiếm hơn 31% toàn ngành. Số lượng doanh nghiệp có chứng nhận bền vững quốc tế ngày càng tăng. Việt Nam tham gia nhiều FTAs so với các quốc gia khác.
Trong sản xuất, các doanh nghiệp chủ động xây dựng liên kết chuỗi, linh hoạt trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường theo năng lực.
Nhu cầu tiêu dùng, tôm là nguồn protein thay thế cho protein động vật, nuôi trồng thủy sản ít tác động đến biến đổi khí hậu và phát thải khí CO so với các ngành khác. Ngành tôm đang góp phần vào an ninh lương thực thế giới, là nguồn dinh dưỡng chủ yếu cho các nước có thu nhập thấp.
Dự báo xuất khẩu năm 2024
VASEP dự báo, các nguyên nhân ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và xuất khẩu tôm năm 2023 sẽ còn tiếp tục đến năm 2024, nên ngành tôm toàn cầu còn phải đối mặt với sự tăng trưởng không chắc chắn.
Tuy nhiên, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ phục hồi và tăng khoảng 10 - 15% trong năm 2024 với các thuận lợi sau:
- Sự phục hồi kinh tế của các nước đưa tới nhu cầu tiêu thụ dần hồi phục. Trong nước, các chương trình thích ứng biến đổi khí hậu được triển khai, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cho lao động sản xuất kinh doanh sẽ giúp ngành tôm dần thích ứng với biến đổi khí hậu. Các doanh nghiệp đẩy mạnh sản phẩm chế biến sâu, GTGT.
- Tỷ giá USD giữ ổn định mức tăng nhẹ và kịp giải phóng lượng hàng tồn kho. Thị trường xuất khẩu, Mỹ và Trung Quốc vẫn là 2 thị trường lớn của tôm Việt Nam chiếm khoảng 40-45% tổng kim ngạch. Nhóm thị trường có vị trí địa lý gần như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… là lợi thế trong thời gian tới. Sự tăng trưởng tại các thị trường nhỏ lẻ sẽ là động lực và góp phần tăng trưởng xuất khẩu tôm trong năm 2024.