Sau con số XK ảm đạm của năm 2015, XK tôm Việt Nam 4 tháng đầu năm nay tăng trưởng khả quan. XK trong từng tháng đều tăng trưởng dương so với các tháng cùng kỳ năm 2015. Trong 4 tháng đầu năm 2016, XK trong tháng 3 đạt giá trị cao nhất với 240,8 triệu USD; XK trong tháng 2 đạt giá trị thấp nhất với 151 triệu USD.
Giá tôm thế giới có xu hướng nhích lên do thị trường tiền tệ bớt biến động (yên tăng giá; USD, EUR và đồng tiền của các nguồn cung cạnh tranh với Việt Nam ổn định hơn). Giá tôm nguyên liệu trong nước cũng đã cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu từ các thị trường chính tăng hơn nhờ cung-cầu tại các thị trường này ổn định hơn cùng với lượng tồn kho giảm. Các DN XK tôm Việt Nam vẫn được hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá giảm trong POR9. Nguồn cung nguyên liệu từ các nước sản xuất chính như Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador giảm do dịch bệnh và thời tiết xấu cũng là lợi thế cho các nhà sản xuất và XK tôm Việt Nam.
Trong 4 tháng đầu năm 2016, diện tích và sản lượng tôm chân trắng giảm kéo theo tỷ trọng XK tôm chân trắng giảm (-0,3%) trong tổng cơ cấu XK tôm Việt Nam. Tỷ trọng tôm biển cũng giảm (-0,9%) trong khi tỷ trọng tôm sú tăng (+2,2%). Nhu cầu tôm sú từ các thị trường thế giới tốt hơn nhờ có giá cạnh tranh hơn.
Tôm chân trắng chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,4%, tôm sú đứng thứ hai với 34,2% và tôm biển xếp thứ ba với 8,4%. Đối với các sản phẩm tôm chân trắng XK, tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (mã HS03) là sản phẩm được XK nhiều nhất với 265,8 triệu USD; chiếm 30,9% tổng XK tôm. Tôm sú sống/tươi/đông lạnh (mã HS03) đứng thứ hai với doanh số 248,9 triệu USD; chiếm 29%.
Trong 4 tháng đầu năm nay, XK các sản phẩm tôm chân trắng tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, XK các sản phẩm tôm sú tăng 12% trong khi XK các sản phẩm tôm biển khác giảm 3%. Đối với từng sản phẩm cụ thể chia theo mã HS, XK tôm sú chế biến khác (mã HS 16) và tôm loại khác khô (mã HS 03) tăng mạnh nhất 37% so với cùng kỳ năm 2015. XK tôm loại khác chế biến đóng hộp (mã HS 16) giảm mạnh nhất 62%, tuy nhiên giá trị không nhiều chỉ với 1,1 triệu USD.
Top 10 thị trường chính gồm: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, ASEAN, Đài Loan và Thụy Sỹ, chiếm 94,2% tổng giá trị XK tôm. Trong top 10 thị trường chính, các thị trường tăng NK tôm Việt Nam trong thời gian này gồm Mỹ (+21,8%), EU (+12,1%), Trung Quốc (+28,1%) trong đó Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhất. Trong khi XK sang các thị trường còn lại đều giảm từ 0,1% đến 29,7% trong đó giảm mạnh nhất là Đài Loan (-29,7%), tiếp đó là Canada (-23,3%).
XK tôm sang Mỹ trong 4 tháng đầu năm nay tăng 21,8% đạt 199,8 triệu USD. Tỷ lệ tăng trưởng XK tốt nhờ giá XK tôm Việt Nam sang Mỹ đang có xu hướng giảm, đặc biệt là tôm sú có giá khá cạnh tranh so với các nước đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
XK sang EU tăng 12,1% trong đó XK sang 2 thị trường Anh và Bỉ tăng lần lượt 38,9% và 65,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quý II/2016, nguồn nguyên liệu tôm trong nước khan hiếm nhưng chưa tác động ngay đến kết quả XK, trong khi các yếu tố cung - cầu thị trường vẫn đang có lợi cho tôm Việt Nam. Dự kiến XK tôm quý II sẽ đạt khoảng 780 triệu USD, tăng 10% so cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù giá XK tôm của Việt Nam sang các thị trường tiếp tục xu hướng giảm nhưng còn cao hơn so với các nước đối thủ nên vẫn khó cạnh tranh. Ngoài ra, các yếu tố như thuế CBPG, rào cản kỹ thuật của các thị trường, một số quy định chính sách không thuận lợi sẽ tiếp tục chi phối hoạt động XK tôm của Việt Nam trong năm nay.