Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 3,6 tỷ USD, con số này tăng khoảng 14,6% so với cùng kỳ 2015. Và tôm vẫn là mặt hàng xuất khẩu dẫn đầu với giá trị ước đạt 1,5 tỷ USD.
Niềm vui chưa trọn
Bên cạnh đó, từ đầu tháng 7, lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm tôm chưa nấu chín từ Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Australia chính thức hết hiệu lực cũng như nguồn cung tại một số nước sản xuất và thị trường nhập khẩu chính giảm mạnh đang là cơ hội lớn đối với tôm Việt Nam. Qua đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong nước đang kỳ vọng sẽ tạo được cú đột phá về sản lượng và doanh thu giai đoạn nửa cuối năm 2017.
Tuy nhiên, trước tình hình biến động của thị trường trong nước và khâu quản lý chất lượng đang là vấn đề khiến cho các chuyên gia nông nghiệp trong nước lo lắng về việc giữ vững được lợi thế về thị trường.
Theo đại diện VASEP, rào cản lớn nhất của doanh nghiệp tôm Việt Nam là những quy định về chứng nhận an toàn dịch bệnh. Trong khi đó, để gỡ khó những rào cản trên lại là bài toán khó đối với doanh nghiệp, ngành chức năng. Hơn nữa, trong thời gian ngắn chúng ta không thể nào đáp ứng được tất cả các quy định mà thị trường thế giới yêu cầu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) nhận định, chỉ trong 6 tháng đầu năm, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 639.761 ha (tăng 5,5% so với cùng kỳ), diện tích nuôi tôm thẻ ước đạt 57.680 ha (tăng 32,6% so với cùng kỳ). Sự tăng mạnh về diện tích chăn nuôi tôm đang khiến cho nguy cơ tăng mạnh nguồn cung.
Không những thế, việc mở rộng diện tích nuôi quá nhanh dễ dẫn đến việc phá vỡ quy hoạch vùng nuôi, hệ thống ao nuôi chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật dẫn đến nguy cơ dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu.
Nguy cơ mất thị trường
Để cải thiện việc quản lý thị trường trong nước, Bộ NN-PTNT đang có kế hoạch giám sát dịch bệnh trên tôm. Nhưng, để triển khai kế hoạch này vẫn đang là nỗi lo lớn đối với các đơn vị chức năng, khi mà số doanh nghiệp tham gia chương trình giám sát vẫn còn khá ít ỏi. Hay nói cách khác, doanh nghiệp xuất khẩu tôm vẫn đang thờ ơ với kế hoạch mang tầm cỡ quốc gia này.
Trong khi đó, từ nhiều năm nay, tình hình bệnh dịch đối với ngành thủy sản đang là mối lo ngại của các doanh nghiệp trước khi đưa sản phẩm ra thị trường thế giới, khi mà khâu thu mua nguyên liệu, chế biến, đóng gói, phân phối ra thị trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Những thiếu sót này lại đang khiến tôm Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh khi bị các thị trường khó tính như: Úc, Hàn Quốc, Ả Rập Saudi, Trung Quốc, Brazil, Mexico yêu cầu các lô hàng tôm của Việt Nam phải có nguồn gốc từ cơ sở an toàn dịch bệnh; nếu không, từng lô phải có chứng nhận sạch bệnh đối với sản phẩm tôm chưa nấu chín.
Việc thiếu sót các chứng nhận hay thua thiệt về chất lượng đang khiến cho tôm Việt Nam gặp khó. Và nếu không đáp ứng được những yêu cầu mà nước nhập khẩu đưa ra thì nguy cơ mất đi 25% tỷ trọng xuất khẩu tôm của Việt Nam (tương đương 800 triệu USD/năm) lại càng rõ ràng hơn bao giờ hết.
Với thị trường Hàn Quốc, chúng ta cũng đang đối diện nguy cơ đánh mất thị phần trị giá 300 triệu USD/năm nếu như không đáp ứng được quy định mới về chứng nhận sạch bệnh vào 1/4/2018.
Theo TS.Nguyễn Văn Bắc, Phó trưởng Phòng Khuyến nông Chăn nuôi thuộc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, chúng ta phải làm sao bảo đảm được chất lượng sản phẩm, các chứng từ quy định quốc tế để giữ vững hoặc gia tăng thị phần tại những quốc gia nhập khẩu khó tính. Bởi vì, những quốc gia này có thị trường khá ổn định. Tạo dựng uy tín cho sản phẩm nông nghiệp tốt thì về lâu về dài, doanh nghiệp nội địa sẽ không mất công xây dựng thị trường nữa. Để làm được điều này cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa doanh nghiệp và nhà quản lý.