Theo VASEP, trong 8 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu (XK) tôm chỉ đạt gần 2,3 tỷ USD, giảm nhẹ 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ quý II đến hết tháng 8, XK tôm luôn ở trong xu hướng sụt giảm so với cùng kỳ 2017. Nguyên nhân chính là do giá tôm giảm trên toàn cầu vì sản lượng tôm nuôi tăng mạnh ở nhiều nước nuôi lớn. Nhiều nước XK tôm lớn đang cạnh tranh trên thị trường thế giới bằng giá tôm thấp, ảnh hưởng không nhỏ tới XK tôm của Việt Nam tới một số thị trường quan trọng như Mỹ, Nhật Bản ...
Chẳng hạn, theo Bộ Công Thương, tại thị trường Nhật Bản, trong 7 tháng đầu năm nay, dù Việt Nam vẫn là nguồn cung cấp tôm lớn nhất với 27.573 tấn, nhưng đã giảm 9,6% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó khiến cho thị phần tôm Việt Nam ở Nhật Bản đã giảm từ 25,7% trong 7 tháng đầu năm ngoái xuống còn 24,5% trong 7 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, thị phần của các đối thủ cạnh tranh chính như Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ đều tăng lên. Trong 7 tháng đầu năm nay, giá NK tôm từ Việt Nam vào Nhật Bản ở mức bình quân 12,2 USD/kg, cao hơn nhiều so với giá của tôm Ấn Độ (9 USD/kg), Thái Lan (10,1 USD/kg) và Indonesia (11,7 USD/kg). Nhìn vào giá tôm như trên cũng thấy được ngay vì sao Nhật Bản giảm NK tôm Việt Nam và tăng NK từ 3 nước kia.
Tuy nhiên, từ tháng 9, XK tôm đã bắt đầu hồi phục trở lại. Giá tôm trên thế giới đã ngưng đà suy giảm, hồi phục nhẹ trở lại nhờ đồng USD và giá dầu tăng. Nhờ đó, giá tôm XK của Việt Nam cũng được cải thiện. Nhiều thị trường như Trung Quốc và một số nước ở châu Á, vốn giảm mua tôm trong nửa đầu năm nay, hiện đã tăng mua trở lại để phục vụ nhu cầu cuối năm …
Bên cạnh đó, tôm Việt Nam còn có những lợi thế riêng để đẩy mạnh XK. Việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá (CBPG) cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) với mức thuế thấp hơn nhiều so với kết quả sơ bộ, đang tác động tích cực tới XK tôm sang Mỹ. Cụ thể, trong kết quả sơ bộ của POR12 mà DOC công bố ngày 8/3, thuế CBPG tính cho tôm Việt Nam là 25,39%. Còn trong kết luận cuối cùng của POR12 công bố trong tháng 9 vừa rồi, thuế CBPG chỉ là 4,58%. Với mức thuế này, tôm Việt Nam vẫn có khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Vì vậy, trong những ngày qua, các DN chế biến tôm đang đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu để phục vụ cho các đơn hàng mới ký hợp đồng XK sang thị trường này.
Ở thị trường quan trọng hàng đầu khác là EU, tôm Việt Nam tiếp tục thuận lợi trong cạnh tranh khi mà 2 nguồn cung khác trong khu vực là Thái Lan và Ấn Độ tiếp tục gặp khó khăn. Thái Lan hiện đã bị mất ưu đãi thuế quan ở EU. Do đó, tại thị trường EU, khi cạnh tranh về giá, tôm Việt Nam đang có lợi thế hơn tôm Thái Lan khoảng 10%. Tôm Ấn Độ vẫn tiếp tục bị EU kiểm tra chặt chẽ về kháng sinh nên ảnh hưởng khá nhiều tới việc XK sang thị trường này. Do đó, XK tôm Việt Nam sang EU không chỉ đang tiếp tục tăng trưởng dương trong 8 tháng đầu năm nay (đạt 569,2 triệu USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2017) mà sẽ tăng trưởng dương ở mức 2 con số trong cả năm nay.
Tuy nhiên, ngoài lợi thế cạnh tranh về giá cả và chất lượng (so với Thái Lan và Ấn Độ), để đẩy mạnh hơn nữa việc XK tôm vào EU, ngành tôm Việt Nam cần tiếp tục đầu tư sâu thêm vào các sản phẩm giá trị gia tăng, tôm có chứng nhận... Theo ông Jiro Takeuchi, GĐ Bonmea GmbH, xu hướng tiêu thụ tôm ở EU là tăng nhu cầu với tôm hấp nguyên liệu; tôm có chứng nhận tập trung vào các vấn đề môi trường, xã hội, ATTP … Do đó, các ngành tôm Việt Nam cần tăng số lượng trại nuôi, nhà máy được chứng nhận các biện pháp thực hành nuôi tốt, ATTP, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, xã hội; tăng số lượng nhà máy được nâng cấp dây chuyền chế biến đáp ứng tiêu chuẩn bán lẻ của châu Âu; đầu tư lớn vào các trại nuôi tôm siêu thâm canh được đảm bảo và kiểm soát chặt chẽ …