Theo DOC, các sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của 2 bị đơn bắt buộc là Công ty Sao Ta (Fimex VN) và Công ty Hải sản Nha Trang (Nha Trang Seaproduct Company) đã không bị bán phá giá vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/2/2017 đến ngày 31/1/2018.
Vì vậy, mức thuế sơ bộ đối với 2 công ty bị đơn bắt buộc là 0%, 29 công ty khác của Việt Nam có nộp đơn xin xác định mức thuế suất khác biệt hoặc cam kết không có lô hàng nào xuất vào Mỹ trong khoảng thời gian nêu trên nên cũng được hưởng mức thuế 0%.
*Tìm cơ hội trong khó khăn
Đây được coi là động thái mới nhất của DOC liên quan đến các vụ kiện về hoạt động xuất - nhập khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Quyết định bất ngờ của DOC được cho là sẽ mở ra rất nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam, nhất là giữa bối cảnh lần lượt Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và Brazil - 4 đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất của Việt Nam đều đang phải chịu các mức thuế suất khác nhau khi xuất khẩu tômvào thị trường của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ấn Độ là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Mỹ, song vị trí này đang dần lung lay trước những đợt biến động lớn về thuế suất. Tháng 7/2018, trong đợt xem xét hành chính sau cùng cho lần thứ 12 (POR 12), DOC đã điều chỉnh tăng mức thuế chống bán phá giá trung bình đối với tôm nhập khẩu từ Ấn Độ từ 0,84% lên mức 1,35%, mặc dù con số này vẫn thấp hơn mức sơ bộ được đưa ra trước đó vào tháng 3/2018 là 2,34%.
Hai cái tên được lựa chọn trong đợt đánh giá khi đó là Devi Fisheries Limited (Devi) và Liberty Group - hai nhà sản xuất đóng góp đến gần 7% số lượng tôm chế biến được xuất khẩu từ Ấn Độ trong năm 2017. Trước đó, trong tháng 5/2018, New Delhi đã chứng kiến xuất khẩu tôm sang Mỹ sụt giảm lần đầu tiên kể từ tháng 6/2016, với mức giảm 4% so với cùng kỳ năm trước đó.
Ngoài Ấn Độ, Trung Quốc cũng không là ngoại lệ bởi vì giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến ngày một phức tạp. Tôm là một trong số những cái tên nằm trong danh sách sản phẩm dài 205 trang mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đề xuất áp thuế để "trả đũa" nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, trước khi Mỹ đưa ra đề xuất áp thuế, xuất khẩu tôm của Trung Quốc sang Mỹ đã sụt giảm mạnh ở mức 21% trong tháng 6/2018 so với một năm trước đó.
Đối với Thái Lan, tình hình có vẻ tệ hơn khi “xứ Chùa vàng” là một trong 13 quốc gia chứng kiến hoạt động xuất khẩu tôm sang Mỹ sụt giảm và là quốc gia chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất, ở mức 42% trong tháng 6/2018 so với một năm trước đó.
Nếu tính trong nửa đầu năm 2018, xuất khẩu tôm từ Thái Lan đã giảm 27%, nguyên nhân chủ yếu là do ngành chế biến tôm Thái Lan gặp nhiều vấn đề có mức độ nghiêm trọng ngang với hồi năm 2012 khi căn bệnh mang tên hội chứng chết sớm (EMS) – theo thuật ngữ gọi là hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS) – đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nông dân nuôi tôm ở phía Đông Vịnh Thái Lan.
* Cú hích cho doanh nghiệp Việt
Mặc dù mức thuế 0% được cho là cú hích cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam song ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng công bố này chỉ mới tạo ra tác động tích cực về mặt tinh thần cho các doanh nghiệp chứ chưa tạo ra giá trị trực tiếp đến việc xuất khẩu tôm vào Mỹ vì tất cả còn phụ thuộc vào phán quyết cuối cùng.
Theo ông Trương Đình Hòe, mục tiêu xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Mỹ trong năm 2019 là 600 triệu USD, nhưng tính đến ngày 15/3, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam vào thị trường Mỹ mới đạt 80 triệu USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, tôm Việt Nam còn gặp khó khăn ở thị trường Mỹ do phải chịu cạnh tranh trực tiếp về giá với tôm Ấn Độ.
Nếu mức thuế 0% được áp dụng trong phán quyết cuối cùng được đưa ra vào tháng Chín năm nay thì đó sẽ là cú hích thật sự cho hoạt động xuất khẩu tôm vào Mỹ trong quý IV/2019 và những năm tiếp theo.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2018 trước bối cảnh nguồn cung thế giới tăng cao do được mùa, giá tôm sụt giảm từ 10 - 30% nhưng ngành tôm Việt Nam đã kịp thời có giải pháp ứng phó, chia sẻ khó khăn, ổn định sản xuất, giữ vững nhịp độ tăng trưởng. Qua đó, sản lượng tôm nước lợ đạt trên 762.000 tấn, tăng 6,3% so với năm 2017, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.
Năm 2019, ngành tôm được dự báo sẽ đối mặt với những thách thức mới như: tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo sụt giảm, dẫn đến lượng tiêu thụ tôm có thể giảm trong khi lượng tôm tồn kho vẫn còn. Biến đổi khí hậu và thời tiết đang có những diễn biến khó lường như hiện tượng El nino, hạn hán, xâm nhập mặn... có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất tôm.
Ngoài ra, một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng việc xuất khẩu tôm của Trung Quốc sang Mỹ gặp trở ngại cũng sẽ ít nhiều gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu tôm chưa qua chế biến của Việt Nam sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - thị trường chiếm đến 94% tổng số lô hàng tôm của Việt Nam.
Mặc dù vậy, bên cạnh những thách thức, ngành tôm vẫn có cơ hội với nền tảng về tiềm năng, lợi thế tự nhiên, với đội ngũ doanh nghiệp có hơn 20 năm kinh nghiệm từ sản xuất đến chế biến, xuất khẩu.
Cùng với đó, với sự quyết tâm vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống từ Trung ương đến địa phương, những quy định mới, tiến bộ, phù hợp với thực tế của Luật Thủy sản 2017 sẽ tạo đà cho sản xuất phát triển. Ngoài ra, các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết có hiệu lực sẽ mở rộng cơ hội về thị trường cho sản phẩm tôm.