Trước đây, gia đình ông Đinh Văn Sơn ở xóm 4, xã Yên Thắng chủ yếu làm nghề nông là trồng lúa nên thu nhập rất bấp bênh. Để có thêm nguồn thu nhập, ông Sơn đã mạnh dạn bàn với gia đình ngoài diện tích đất 313, đấu thầu thêm 1 ha để cải tạo, chuyển đổi sang mô hình trồng lúa kết hợp nuôi các loại cá nước ngọt.
Ông Sơn chia sẻ: "Phát triển mô hình sản xuất lúa - cá cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cấy 2 vụ lúa trong năm. Từ một hộ khó khăn, kinh tế gia đình ngày càng ổn định hơn, không còn canh cánh nỗi lo mất mùa như trước đây".
Trong những năm qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Yên Mô đã tích cực hướng dẫn, đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện Đề án số 06 của UBND huyện về chuyển đổi diện tích ruộng trũng kém hiệu quả sang sản xuất lúa - cá, trồng cây ăn quả kết hợp nuôi thủy sản và ao nổi. Năm 2018, toàn huyện ước chuyển đổi được thêm 87 ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả, nâng tổng diện tích chuyển đổi toàn huyện đến cuối năm 2018 là khoảng 657 ha.
Thay vì chỉ độc canh cây lúa, nhiều hộ dân trong huyện có nguồn thu nhập cao nhờ mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá. Yên Mô phấn đấu năm 2019 chuyển đổi thêm từ 30-40 ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất lúa – cá, trồng cây ăn quả kết hợp nuôi thủy sản và ao nổi. Để thực hiện mục tiêu này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện tăng cường hướng dẫn các hộ nuôi thủy sản áp dụng biện pháp thâm canh trên diện tích ao hồ, diện tích đã chuyển đổi để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới về giống, chăm sóc và thành lập mới các tổ hợp tác nuôi thủy sản.
Phát triển mô hình sản xuất lúa – cá đang là hướng đi mang tính hiệu quả, bền vững trong sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Mô và có thể nhân rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác cho người nông dân.