Cá lưỡi trâu dễ phân biệt với các loại cá khác bởi thân dẹt, nhỏ dần về phía đuôi, mắt nằm ở phía trái của cơ thể, thường rất nhỏ và gần nhau, nhìn kỹ giống như chiếc lưỡi của con trâu.
Cá mua về, cho vào thau nước lã, rửa sạch rồi kỳ công bóc hết lớp vảy, móc ruột thật sạch. Cứ mỗi lần làm món cá lưỡi trâu, má tôi lại tìm bằng được mít non. Mít hái về, gọt bỏ lớp vỏ gai cứng bên ngoài rồi chẻ trái mít thành từng miếng nhỏ, ngâm vài phút với nước muối rồi luộc chín. Vớt mít ra để nguội, ráo nước và thái thành từng miếng hình tam giác vừa ăn.
Trước khi đem kho, bao giờ cũng ướp gia vị gồm dầu phộng, tiếp đến thêm nước mắm, muối, đường, tiêu vào cá khoảng nửa giờ cho cá thấm đều. Để có mẻ cá thơm ngon không thể thiếu củ nghệ tươi giã nhuyễn. Lần lượt đặt mít vào đáy nồi, xếp cá lên, rải thêm một lớp thịt heo ba chỉ rồi cho thêm nghệ tươi và ớt trên mặt cá. Cứ thế đặt nồi cá trên bếp lửa liu riu. Mươi phút sau, một mùi thơm bay lên ngào ngạt. Cứ mỗi lần nghe mùi thơm từ mẻ cá lưỡi trâu thế nào tôi cũng mon men xuống bếp. Má tôi nói, cũng như một số loại cá khác, khi kho cá lưỡi trâu phải để lửa thật nhỏ, hễ nhìn vào nồi, thấy một lớp bong bóng li ti, lăn tăn nhè nhẹ là lửa đúng độ. Khi kho phải luôn để mắt thăm chừng, nước vừa rút, chưa cạn hẳn thì châm một ít nước sôi vào. Đừng để nồi ráo nước mới châm vào thì lớp mít và cá dưới cùng bị sém, nồi cá có mùi khê, mất ngon. Tiếp tục nhỏ lửa đến khi nào nước sền sệt, mít ngả màu vàng, thịt cá săn lại là được. Tắt bếp, nhanh tay rắc ít hạt tiêu. Có thể cho thêm vài cọng rau răm xanh mướt để cá thêm dậy mùi.
Cá lưỡi trâu kho mít non có hương vị độc đáo. Mùi vị ấy không giống như kho chuối, kho khế hay măng, cảm giác khi ăn rất ngon. Đặc biệt món này còn có tác dụng thanh nhiệt, kích thích tiêu hóa, và bổ dưỡng.
Mâm cơm dọn ra, chỉ nhìn đĩa cá cùng với những lát mít đang bốc khói thôi là đã không thể chờ hơn nữa, muốn thưởng thức ngay. Bữa nào có món cá lưỡi trâu kho mít non, chị em tôi bao giờ cũng vét sạch nồi cơm.