“Vương quốc tôm” thời khủng hoảng
Hàng nghìn đầm tôm bỏ hoang, hàng nghìn gia đình bị phá sản… Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có chuyến đi thực tế tới một số địa phương nuôi tôm ở Nam Trung Bộ và ghi nhận nhiều thông tin quý góp phần cứu ngành chăn nuôi trọng điểm ở nước ta hiện nay…
Một thời hoàng kim
Những ngày này, về các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, đi qua những vùng nuôi tôm nổi tiếng giàu có hôm nào, đâu đâu cũng thấy những đầm tôm bỏ hoang, cỏ dại mọc đầy, máy móc han gỉ nằm chỏng chơ dưới cái nắng miền Nam Trung Bộ bỏng rát. Cách đây mới chỉ hơn 2 năm, vùng Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận từng nổi tiếng là “vương quốc tôm". Ở vùng đất ven biển khí hậu khắc nghiệt và bộn bề cát trắng này, khó có thể nuôi con gì, trồng cây gì hiệu quả hơn nuôi tôm. Anh Nguyễn Hải Triều, một chuyên gia nuôi tôm ở Cam Ranh kể: Mươi năm trước là “kỷ nguyên vàng” của nghề nuôi tôm. Ngày đó nuôi tôm rất dễ, cứ thả xuống là trúng. Nghề nuôi tôm mang lại lợi nhuận cao, nên người người, nhà nhà đổ đi làm tôm, diện tích các vùng tôm mở ra nhanh không kém gì các khu công nghiệp. Đến như ông Đinh Đức Hữu là doanh nhân từ Mỹ về làm ăn cũng đầu tư nuôi tôm cùng với công nghiệp, du lịch. Có một tờ báo ngành còn đầu tư mua cả một vùng nuôi tôm lớn ở Bình Thuận. Triều cho hay với giá tôm sú, tôm thẻ khoảng trên dưới 200.000 đồng/kg, một ao tôm có thể thu nhiều tấn tôm, thời gian quay vòng nuôi một ao tôm chỉ khoảng 60-70 ngày nên lợi nhuận có thể lên tới hàng tỷ đồng mỗi ao, thu hồi vốn và quay vòng cực nhanh. Một chủ nuôi tôm nếu đầu tư hàng chục tới hàng trăm ao tôm thì có thể mang về lợi nhuận hàng chục tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Chính vì nuôi tôm lãi lớn như vậy nên ở Nam Trung Bộ xuất hiện hàng loạt tên tuổi đại gia nuôi tôm như “vua tôm” Thông Thuận có tới hàng nghìn héc-ta đầm tôm. Tại Bình Định, ông Phạm Văn Trà, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ cho biết: “Trước đây, nghề nuôi tôm lãi rất cao nên tại vùng đất cát ven biển ở 2 xã Mỹ An và Mỹ Thắng, tỉnh cho quy hoạch 200ha nuôi tôm. Không chỉ các đại gia trong nước mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng về đầu tư như: Công ty AE thuê hơn 50ha, Công ty Asia Hawaii Ventures (Mỹ) thuê gần 50ha...
Tại Phú Yên, huyện Sông Cầu từng có các làng Vịnh Hòa, Phú Dương thuộc xã Xuân Thịnh vang bóng một thời là làng tỷ phú, giàu có hưng thịnh như tên gọi của xã. Chỉ riêng xã này có tới gần 2.000 hộ nuôi tôm, trong đó khoảng một phần ba là dân từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa... thấy “đất lành tôm đậu” tìm về bỏ vốn đầu tư.
Đại dịch
Nhưng rồi, dân nuôi tôm bắt đầu nếm trái đắng từ đầu năm 2010. Kỹ sư thủy sản Nguyễn Văn Dương, một đại gia nuôi tôm nhiều thứ nhì Nam Trung Bộ cho biết: Năm 2010, có một đàn chim lạ hàng chục nghìn con từ đâu bay tới các vùng biển cực Nam nước ta. Chúng như cơn bão kéo qua các đầm tôm, các khu nhà nuôi yến. Yến chết, tôm chết hàng loạt, chết dai dẳng và thê thảm, lan rộng ra toàn quốc. Anh Dương đang trên đà làm ăn thắng lợi, đầu tư rất lớn bỗng dưng khốn đốn vì tôm chết, lặp đi lặp lại ở gần 100 ao. Tính ra, số tiền thiệt hại do tôm chết đã lên tới hơn 20 tỷ đồng. May mà anh Dương trường vốn còn hàng nghìn hộ nuôi tôm trong vùng rơi vào cảnh tán gia bại sản. “Con tôm mang về nhà lầu, xe hơi rất nhanh nhưng nó kéo cả nhà, cả xe, cả hạnh phúc đi cũng trong chớp mắt. Tôm chết thì nhà thế chấp ngân hàng, vợ chồng bỏ nhau, con cái bỏ học, hạnh phúc đâu còn!” – Dương tâm sự.
Chúng tôi đi dọc vùng ven biển Khánh Hòa, Ninh Thuận rồi ngược sang Bình Thuận. Đâu đâu cũng thấy cảnh những đầm tôm bỏ hoang xơ xác, ao cạn khô, cỏ dại, rau muống biển mọc đầy. Tại Ninh Thuận, một hình ảnh cười ra nước mắt: Đàn cừu dăm con thong dong tìm xuống ao tôm… gặm cỏ. Anh Nguyễn Viết Tuấn, chủ đầm tôm ở xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận tâm sự: “Năm ngoái tôi nuôi 16 ao tôm, chết cả 16, thiệt hại hơn 4 tỷ đồng, thật “méo mặt”! Theo Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận: Tính đến đầu tháng 7 năm 2012 tại Ninh Thuận có hơn 720ha tôm thì gần một nửa bị bệnh, tôm chết hàng loạt. Còn tại Quảng Ngãi, tỉnh có hơn 1.300 ha nuôi tôm nay chỉ có 410ha đang nuôi, hơn 2/3 diện tích còn lại bỏ hoang.
Tại “vương quốc tôm" Xuân Thịnh, tỉnh Phú Yên, hàng nghìn hộ dân rơi vào cảnh trắng tay. Giữa mùa tôm mà hàng nghìn lồng bè bạc phếch nằm phơi nắng, hàng nghìn héc-ta đầm tôm hoang vắng như một cánh đồng chết, không một bóng người. Chị Lê Thị Phấn, chủ một trang trại nhỏ ứa nước mắt kể: “Tôi bỏ hơn 2 tỷ đồng nuôi tôm hùm nay tôm chết cả, mót mãi số tôm chết đem bán thu về được 100 triệu đồng. Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh cho hay, cả xã có gần 9.000 lồng tôm hùm, chết 80% khiến người dân nợ như… chúa Chổm, tính sơ sơ cả xã nợ gần 200 tỷ đồng.
Đó mới là một phần rất nhỏ trong bức tranh tiêu điều của nghề nuôi tôm hiện nay. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tính đến giữa tháng 6-2012, tổng diện tích tôm bị thiệt hại vì dịch bệnh trên cả nước đã lên tới hơn 38 nghìn héc-ta, mỗi tuần tăng hàng nghìn héc-ta. Tôm chết giờ đây đã trở thành câu chuyện tầm quốc gia vì nó liên quan tới hàng triệu nông dân, xảy ra ở hàng chục tỉnh, thành phố và ngành nuôi tôm là một mũi nhọn xuất khẩu, mỗi năm đóng góp hơn 7 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.
Tìm thuốc cứu tôm – mò kim đáy bể
Chỉ riêng trong tháng 6 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã phải tổ chức hai hội nghị bàn chuyện cứu tôm. Bộ cũng đã thành lập hẳn một Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh tôm. Cuối tháng 6 vừa qua, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phải nhiều lần đích thân đi thị sát, kiểm tra tình hình tôm chết và chỉ đạo: “Phải coi chống dịch bệnh tôm như chống lửa. Bộ phải huy động tổng lực để cứu tôm!”.
Chỉ đạo quyết liệt nhưng hiệu quả việc “bắt bệnh cho tôm” vẫn chưa như mong muốn. Phát biểu trong chuyến đi kiểm tra ở Trà Vinh, ông Cao Đức Phát trăn trở: “Bệnh dịch trên tôm đã diễn ra hơn một năm nhưng vẫn chưa có câu trả lời khoa học chính thức”. Đến nay, một lực lượng khoa học khá hùng hậu đã vào cuộc nghiên cứu gồm các: Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, II, Viện Môi trường Nông nghiệp, Cục Thú y dưới sự chủ trì của Tổng cục Thủy sản và sự hợp tác của Viện Hải dương học, Viện Công nghệ Sinh học và Trường Đại học Cần Thơ nhưng vẫn chưa đưa ra được liều thuốc hiệu nghiệm. Cuối năm 2011, nhiều cơ quan nghiên cứu đã kết luận tôm chết là do nông dân sử dụng thuốc Cypermethrin diệt giáp xác dẫn đến tồn dư trong nước, trong đất. Đây là chất mà trên thế giới người ta đã cấm từ lâu. Tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, mới đây, Bộ NN&PTNT đã cấm sử dụng hóa chất Cypermethrin nhưng dù không dùng chất này, tôm vẫn cứ… chết. Bà Bùi Thị Anh Vân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận cho hay: Tôm chết ở Ninh Thuận không phải do thuốc bảo vệ thực vật vì từ lâu nay Ninh Thuận không sử dụng các loại thuốc này và ngay cả các ao trải bạt, nuôi theo quy trình khoa học thì tôm vẫn chết”.
Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (NTTS) đặt nghi vấn bệnh do nguồn tôm giống nên đang ráo riết dựng mô hình tôm giống sạch để đối chứng. Ở miền Bắc, Viện Nghiên cứu NTTS I sau khi nghiên cứu tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng đã kết luận tôm chết do hoại tử gan tụy, song chưa tìm ra nguyên nhân bệnh này. Tại miền Nam, Viện Nghiên cứu NTTS III đã tìm ra 5 loại vi-rút, 3 loại vi khuẩn liên quan đến gan tụy tôm song khi truy tìm các loại tảo độc trong ao lại không thấy! Chính Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng sốt ruột thốt lên: “Các viện nghi ngờ tôm bị bệnh do Cypermethrin, nhưng Cypermethrin từ đâu ra thì chưa ai trả lời được. Còn nhận định tôm chết vì nguyên nhân sinh học, do vi-rút, vi khuẩn thì tại sao các anh không thử đưa tôm bị bệnh đang ngắc ngứ sắp chết thả vào ao tôm khỏe xem nó có lây bệnh cho tôm khỏe hay không? Con tôm bị bệnh có những loại vi-rút, vi khuẩn nào, trong nước ao tôm bị bệnh có những chất hóa học gì, đến giờ cũng chưa biết?”.
Cũng không thể trách các nhà khoa học vì theo báo chí nước ngoài, “cơn bão” tôm chết không chỉ ở nước ta mà đã xuất hiện ở nhiều nước châu Á. Một thuật ngữ mới ra đời được gọi tên là “Hội chứng chết sớm ở tôm” (Early Mortality Syndrome - EMS). Theo Tiến sĩ Donald Lightner (Đại học Arizona, Mỹ) thì EMS là một bệnh mới ở tôm, xuất hiện từ năm 2010 ở các trang trại nuôi tôm ở phía Nam Trung Quốc. Năm 2011, bệnh đã lây lan sang nhiều nước Đông Nam Á. Đến nay, nguyên nhân gây ra bệnh EMS vẫn đang là câu hỏi lớn đối với nghề nuôi tôm thế giới.
Trong khi đó, từ vùng nuôi tôm Ninh Thuận, Bình Thuận, một ông chủ nuôi tôm “chân đất” sau khi tự mày mò từ thất bại cay đắng mới đây tuyên bố đã tìm ra nguyên nhân và xây dựng được quy trình nuôi tôm “không chết con nào”! Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã tiếp cận và ghi lại câu chuyện này…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: “Bệnh dịch trên tôm đã diễn ra hơn một năm nhưng vẫn chưa có câu trả lời khoa học chính thức”.
Tiến sĩ Bùi Quang Tề, Chuyên gia bệnh học thủy sản: Tôm chết hàng loạt vẫn chưa tìm ra chính xác nguyên nhân. Tuy nhiên có thể tập trung vào 3 nguyên nhân chính là chất lượng con giống, môi trường và thức ăn.
Ông Trương Nam Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học: Viện hoàn toàn có khả năng phát hiện toàn bộ các sinh vật và chất hóa học trong bất kỳ mẫu tôm hay mẫu nước nào.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp: Cần phải thành lập các phòng thí nghiệm dã chiến ngay tại các vùng tôm bệnh.
Bài 3: “Cuộc chiến” cứu tôm - ngành chăn nuôi “tỷ đô”: Bí quyết công nghệ “cứu tôm”
Bài 2: Câu chuyện cứu tôm - ngành chăn nuôi “tỷ đô”: “Hiệp sĩ” cứu… tôm!