Việt Nam là một nước gần như “độc quyền” về nuôi trồng và xuất khẩu cá tra, hàng năm đã mang về cho đất nước hàng tỷ đô la. Tuy nhiên, những diễn biến trong thời gian qua cho thấy nghề nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra ngày càng một khó khăn và “tối tăm” hơn. Người nuôi của quốc gia xuất khẩu cá tra hàng đầu thế giới ngày càng “nghèo hơn”. Còn doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này liên tục lâm vào thế khó, nguy cơ phá sản rất cao.
Hiện giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL tiếp tục sụt giảm. Theo ghi nhận, nếu người dân bán cá tra trả chậm từ 30 - 45 ngày sẽ bán với giá 20.000 - 21.000 đồng/kg, còn nếu bán lấy tiền mặt chỉ có giá khoảng 19.000 đồng/kg. Với giá như hiện nay, người nuôi cá tra lỗ từ 2.500 - 3.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên ở tỉnh An Giang cho biết: vừa thu hoạch 170 tấn cá tra, bán lỗ hơn 300 triệu đồng. Ông Nguyên cũng cho biết thêm, hiện nay, muốn bán được con cá không hề dễ. Doanh nghiệp có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng thì trả sau đó khoảng 1 tháng. Còn nếu gặp doanh nghiệp “ma” thì coi như trắng tay vì bị giật nợ.
“Người nuôi cá thiệt thòi, do vậy không dám đầu tư nữa. Tôi nghĩ, trước tiên là người nuôi “chết”. Sau đó tới doanh nghiệp không có nguyên liệu sản xuất. Tôi nghĩ vấn đề này không còn xa đâu”- ông Nguyên nói.
Có thể nói, thị trường cá tra hiện nay đang đối mặt với những bất ổn, nông dân không còn thiết tha đến việc nuôi cá tra. Doanh nghiệp thua lỗ, đóng cửa nhà máy, còn người nông dân thì nối tiếp nhau “treo ao”.
Theo chia sẻ của ông Võ Kế Nghiệp, người dân nuôi cá tra kỳ cựu ở huyện Châu Phú thì những năm gần đây càng nuôi lại càng lỗ. Vốn cứ dần teo tóp đi, còn đi vay vốn ngân hàng thì ngày càng khắt khe. Ông Nghiệp cho biết: Nông dân muốn tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng phải có hợp đồng liên kết sản xuất với doanh nghiệp thì mới được giải quyết. Còn đối với các hộ tự nuôi dạng nhỏ lẻ thì đừng không có hy vọng. Chính vì vậy, nhiều hộ nuôi đã “ngán ngẫm” với cái nghề đã gắn bó với gia đình mình cả chục năm qua.
Với những khó khăn, bất cập của lĩnh vực nuôi trồng và chế biến cá tra xuất khẩu, việc tái cơ cấu lại ngành cá tra, cần phải có một chính sách quy hoạch bài bản, từ sản lượng, đầu tư về khoa học, con giống cho đến chính sách về vốn và lãi suất phải mang tính chất ổn định.
Ngoài ra cần phải cải thiện hình ảnh cá tra Việt Nam bằng cách đẩy mạnh tuyên truyền trong và ngoài nước về con cá này.
Đặc biệt đối với nước ngoài, con cá tra phải đảm bảo được tiêu chuẩn hóa về chất lượng, môi trường thông qua sự công nhận của các tổ chức quốc tế có uy tín; đồng thời, cần có chính sách thắt chặt những điều kiện kiểm soát chất lượng đối với một số thị trường trọng điểm, cụ thể như EU và Mỹ.
Cùng với đó phải tạo niềm tin cho thị trường, cần thiết phải "hạn chế" các doanh nghiệp tham gia sản xuất cá tra không có nhà máy.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Cá tra là mặt hàng chiến lược của vùng ĐBSCL. Đây là sản phẩm mang về ngoại tệ cho đất nước. Tôi nghĩ rằng cần thiết có đầu mối xuất khẩu và quy định ra các tiêu chuẩn và giá sàn của từng thị trường để từ đó có kiểm soát chặt chẽ doanh nghiệp xuất khẩu. Qua đó có sự hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người nuôi. Đây mới là cơ bản ổn định và mang tính lâu dài”.
Theo nhận định của VASEP, những khó khăn, bất lợi của nghề nuôi và chế biến cá tra năm 2012 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến việc sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra của năm 2013.
Xuất khẩu bất bình thường ở chỗ, cơ cấu chuyển dịch từ 70% là nông dân nuôi cá tra, đến nay đã chuyển sang 70% là doanh nghiệp nuôi.
Trong khi hiện hầu hết các doanh nghiệp lại đang thiếu vốn, nên dự báo tình hình sản xuất, xuất khẩu của ngành cá tra sẽ còn khó khăn hơn trong năm 2013./.