Hiện có khoảng 20 doanh nghiệp thủy sản niêm yết tại hai sàn chứng khoán Hà Nội và TP HCM. Theo số liệu VNDIRECT cung cấp, tổng doanh thu của các đơn vị này trong quý II đạt hơn 8.940 tỷ đồng, dù đang khởi sắc trở lại với mức tăng 11,4% so với quý I, nhưng vẫn chậm chạp nếu so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số 20 doanh nghiệp thủy sản niêm yết, 5 công ty dẫn đầu về doanh thu với giá trị trên 800 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2012, chiếm 25% danh sách, bao gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã: MPC - HOSE), Công ty cổ phần Hùng Vương (mã: HVG - HOSE), Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã: VHC - HOSE), Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (mã: VTF - HOSE) và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (mã: AGF - HOSE).
Thủy sản Minh Phú dẫn đầu về doanh thu với 2.141 tỷ đồng, tăng 30% so với quý I/2012, 31,6% so với quý II/2011 và 71% so với quý I/2012. Thủy sản Hùng Vương để tuột vị trí đứng đầu trong quý II/2012 khi doanh số chỉ đạt 1.756 tỷ đồng, thấp hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái
3 doanh nghiệp còn lại trong danh sách doanh thu quý II/2012 trên 800 tỷ cũng có mức tăng trưởng từ 6% đến 18% so với cùng kỳ năm trước.
Đơn vị tính: Tỷ đồng. Số liệu: VNDIRECT
Tổng kết quý II/2012, hai sàn chứng khoán có 4 doanh nghiệp niêm yết bị lỗ ròng, chiếm một phần năm danh sách, bao gồm Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Lâm thủy sản Bến Tre (mã: FBT - HOSE) với 4,47 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Thủy sản (mã: ICF - HOSE) lỗ 118 triệu đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã: MPC - HOSE) với 1,93 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC - HOSE) lỗ 15,3 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước, danh sách niêm yết ngành thủy sản chỉ có một công ty lỗ.
Ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, các công ty thủy sản thời gian qua rất chịu khó liên doanh, liên kết hoặc trực tiếp đầu tư vào một số lĩnh vực ngoài ngành. Trên danh mục đầu tư vào các công ty liên kết, Thủy sản Hùng Vương tiếp tục dẫn đầu với số vốn 336,7 tỷ đồng vào các công ty con, trong đó, 139,6 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Địa ốc An Lạc, 179 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Nuôi trồng thủy sản Hùng Vương miền Tây, 47,9 tỷ đồng vào Công ty TNHH Hùng Vương Mascato. Hồi cuối tháng 12/2011, doanh nghiệp còn đầu tư vào đội bóng đá Hùng Vương An Giang với trị giá vốn 2 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Nam Việt (mã: ANV - HOSE) đầu tư vào doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hóa chất. Tính đến 30/6/2012, Nam Việt đã nắm gần 12,6 triệu cổ phần, tương đương 8,39% vốn điều lệ của Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem. Trước đó, Công ty Nam Việt cũng rót vốn vào DAP số 2 - Vinachem với giá trị 435 tỷ đồng, tương đương 29% vốn điều lệ.
Số liệu: VNDIRECT
Đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho VnExpress biết quý I/2012, khoảng 30% doanh nghiệp kinh doanh thủy sản trên cả nước đã không thể xuất khẩu sản phẩm. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, chi phí vay và lãi tăng cao khiến những đơn vị này không sản xuất được sản phẩm. Theo ông kinh doanh thủy sản có thể sớm phục hồi nếu thị trường xuất khẩu ổn định trở lại.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 9 kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 564 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm lên 4,5 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2011. Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 19% thị phần, tiếp theo là Nhật Bản (15,1% thị phần) và Hàn Quốc (7,9%)...
Trong khi đó Tổng cục Hải quan cho hay, tính tới ngày 15/9, lượng thủy sản các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2011. Nhưng lượng xuất khẩu sang thị trường Nga giảm 20,9% và các nước khối châu Âu giảm so 2011 khoảng 10-20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phầm Thực phẩm Sao Ta nhận định, năm 2012, doanh nghiệp kinh doanh thủy sản đa phần nằm trong tình hình chung, doanh số không cao, giá tiêu thụ giảm mạnh, hiệu quả kinh doanh thấp.
Chẳng hạn trong lĩnh vực nuôi tôm, từ cuối năm 2011 và kéo dài tới nay, trong khi các nước đều trúng vụ thì Việt Nam lại thất bát liên tiếp dẫn đến tôm nguyên liệu bị thiếu. Giá tôm nguyên liệu ở Việt Nam tuy có giảm nhưng so với mặt bằng chung thế giới vẫn cao, cộng thêm các yếu tố đầu vào đều tăng khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, ông Lực chia sẻ.
Về việc phần lớn các doanh nghiệp thủy sản đều đang gặp khó khăn chung, trong khi những công ty cùng ngành niêm yết trên sàn chứng khoán lại kinh doanh có lãi, ông Lực cũng bày tỏ, mỗi đơn vị đều có năng lực quản trị riêng, không đồng đều. Các công ty cùng ngành niêm yết trên sàn đa phần ổn định về quản trị, trong khi những doanh nghiệp khác chưa lên sàn có thể còn kém về công tác quản lý và điều hành.
Hơn nữa, ông Lực nhận định, hiện nay nhiều doanh nghiệp thủy sản vẫn đem vốn bỏ vào những ngành mang tính rủi ro cao như bất động sản, tài chính.. Đây là những ngành có tỷ suất lợi nhuận rất cao khiến nhiều doanh nghiệp lao vào tìm cơ hội, nhưng khó khăn chung trên toàn thế giới đã khiến những lĩnh vực này bị đổ vỡ. Các doanh nghiệp thủy sản đầu tư vào những ngành như vậy cũng bị ảnh hưởng theo, ông Lực phân tích.
Cũng theo Chủ tịch HĐQT Công ty Thực phẩm Sao Ta, để giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt, ngành thủy sản cần tập trung xem xét giảm bớt số cơ sở chế biến nhỏ lẻ, vốn yếu, sức cạnh tranh thấp. Bên cạnh đó, chính phủ cần cơ cấu lại trọng điểm ngành, trong đó có chiến lược con giống, thủy lợi, hóa chất... Trước mắt cần hỗ trợ người nuôi tôm, cá tra về vốn vay, lãi suất hay kéo dài thời hạn trả nợ.